VNReport»Top»Ba chuỗi nhà thuốc lớn ở Việt Nam

Ba chuỗi nhà thuốc lớn ở Việt Nam

17:02 - 25/07/2022

Các chuỗi nhà thuốc này đều đang tích cực mở rộng hệ thống để chiếm thị phần trong thị trường bán lẻ dược phẩm quy mô lớn hiện do các nhà thuốc bệnh viện và nhỏ lẻ thống trị.

Thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam được ước tính có quy mô 7-8 tỷ USD, với số lượng điểm bán khoảng 60.000. Tuy nhiên, thị trường này vẫn bị thống trị bởi các nhà thuốc bệnh viện và nhỏ lẻ, trong khi chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chiếm khoảng 5%. Vì vậy, dư địa phát triển cho các chuỗi nhà thuốc quy mô lớn được đánh giá là rất nhiều.

Ở Việt Nam, Pharmacity, Long Châu và An Khang là 3 chuỗi nhà thuốc lớn nhất với quy mô hiện tại từ hơn 500 đến 1.000 cửa hàng mỗi chuỗi. Các chuỗi này đều đang đẩy mạnh mở rộng hệ thống trong năm nay.

  1. Pharmacity (1.126 cửa hàng)

Pharmacity là chuỗi nhà thuốc có hệ thống lớn nhất ở Việt Nam. Tính đến ngày 25/7/2022, có 1.126 nhà thuốc đạt chuẩn GPP mang thương hiệu Pharmacity trên toàn quốc.

Chuỗi bán lẻ dược phẩm được thành lập vào năm 2011 này giới thiệu trên trang web của mình rằng họ cung cấp các sản phẩm thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe hàng đầu với giá thành cạnh tranh nhất. Đội ngũ dược sĩ của Pharmacity lên đến hơn 3.500 người.

Chuỗi này được sáng lập bởi Chris Blank – một dược sĩ người Mỹ có nhiều năm làm việc tại Việt Nam. Ông Blank hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của công ty.

Những cửa hàng đầu tiên của chuỗi được mở tại TP HCM, nay đã vươn ra Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang …

Chuỗi nhà thuốc này đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng mặt khi mở mới hơn 300 cửa hàng từ đầu năm, sau khi mở thêm 255 nhà thuốc vào năm 2021 dù đối mặt với khó khăn vì đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội. Doanh thu của Pharmacity năm 2021 là 3.567 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020.

Cuối năm nay, Pharmacity đặt mục tiêu có 1.750 cửa hàng. Trong dài hạn, chuỗi này muốn mở rộng quy mô lên đến 5.000 nhà thuốc trên khắp cả nước vào năm 2025, với đội ngũ hơn 35.000 dược sĩ, đạt doanh thu hơn 3 tỷ USD.

  1. Long Châu (707 cửa hàng)

Tính đến ngày 25/7/2022, hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu tuyên bố sở hữu hệ thống gồm 707 nhà thuốc trên toàn quốc tại 63 tỉnh thành, theo trang web của chuỗi. Long Châu thuộc sở hữu của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) – một thành viên của tập đoàn FPT.

Chuỗi này được thành lập vào năm 2007 với kinh nghiệm gần 20 năm trong ngành bán lẻ dược phẩm. Đến năm 2017, FPT chính thức mua lại Long Châu – khi đó có 8 nhà thuốc tại TP HCM. Khoản đầu tư từ FPT giúp Long Châu tăng tốc độ mở rộng: đến năm 2019 có 32 cửa hàng tại 5 tỉnh thành, đến năm 2020 là 200 tại 50 tỉnh thành, và đến năm 2021 là 400 nhà thuốc ở 53 tỉnh thành.

Cũng giống như Pharmacity, Long Châu đang thúc đẩy mở rộng hệ thống nhanh hơn trong năm nay, với hơn 300 cửa hàng mới chỉ trong 7 tháng đầu năm. Lực lượng dược sĩ của chuỗi hiện lên đến hơn 6.000 người.

Long Châu đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Sanofi Việt Nam – công ty con thuộc tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp ­– để triển khai chiến lược dịch vụ Chăm sóc sức khỏe hiện đại tại Việt Nam.

Năm 2021, FPT Retail cho biết Long Châu đóng góp khoảng 35% doanh thu của công ty, tương đương gần 8.000 tỷ đồng. Doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng đạt 1,1 tỷ đồng, và đã tăng lên mức 1,5 tỷ đồng trong quý I/2022.

  1. An Khang (520 cửa hàng)

Chuỗi nhà thuốc An Khang được thành lập vào năm 2022, tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang. Đến năm 2017, Phúc An Khang chính thức được tập đoàn Thế Giới Di Động mua lại và đổi tên thành An Khang. Với động thái này, đại gia sở hữu các chuỗi bán lẻ khổng lồ như Thế Giới Di Động (bán lẻ điện thoại di động), Điện Máy Xanh (điện máy) và Bách Hóa Xanh (thực phẩm, sản phẩm gia đình) bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm.

Sau 5 năm mở rộng một cách thận trọng, đến năm 2022, Thế Giới Di Động bắt đầu tăng tốc độ mở mới các cửa hàng An Khang. Cụ thể, vào cuối năm 2021, chuỗi này mới chỉ có 178 nhà thuốc ở 25 tỉnh thành, thì đến ngày 25/7/2022, An Khang đã có đến 520 cửa hàng ở 33 tỉnh thành, theo trang web của chuỗi. Có tháng ghi nhận chuỗi mở đến 100 cửa hàng.

Thế Giới Di Động cho biết doanh thu trung bình của mỗi nhà thuốc An Khang hiện đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2021. CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết chuỗi An Khang sẽ đạt được điểm hòa vốn vào cuối năm 2022 với doanh thu 2.000 tỷ đồng và tiến đến đứng đầu thị phần bán lẻ dược phẩm hiện đại trong năm 2023 với mục tiêu 2.000 cửa hàng.