VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Gạo ST25 nguy cơ bị mất thương hiệu tại nước ngoài

Gạo ST25 nguy cơ bị mất thương hiệu tại nước ngoài

16:26 - 22/04/2021

Sau cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc, đến lượt Gạo ST25 bị doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.

Gạo ST25 do nhóm tác giả Anh hùng lao động Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo đã đạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019. Tới năm 2020, gạo ST 25 tiếp tục được giải nhì tại cuộc thi nói trên.

Thông tin gạo ST24, ST25 đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài “nhanh tay” đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ vừa được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận. Như vậy, sau cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc giờ đã có thêm một thương hiệu nông sản của Việt Nam bị doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), có 5 hồ sơ đăng ký về bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho gạo ST25 tại Mỹ và đang chờ xử lý hồ sơ, nếu thời gian tới doanh nghiệp sở hữu thương hiệu gạo này không có động thái kịp thời, khiếu nại với cơ quan cấp đăng ký nhãn hiệu của Mỹ thì có thể thương hiệu gạo này sẽ bị mất.

Ông Phú cho biết cũng đã liên hệ trực tiếp ông Hồ Quang Cua, đề nghị giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, có năng lực về vấn đề này để giúp doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký với cơ quan Mỹ.

Để giữ được thương hiệu, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi tham dự.

Tuy nhiên doanh nghiệp phải thực sự có mong muốn và quyết tâm đòi lại thương hiệu. Doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ khi nộp cho cơ quan chức năng.

Cũng theo ông Phú, do nguồn lực có hạn, theo quy định hiện nay Chính phủ sẽ không làm thay doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Các cơ quan liên quan chỉ cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.

Về việc hỗ trợ của Bộ Công thương, ông Phú cho biết trước đây cũng đã có cảnh báo và khuyến nghị ông Hồ Quang Cua chủ động bảo vệ thương hiệu.  Chương trình thương hiệu quốc gia, xúc tiến chỉ có thể hỗ trợ quảng bá ngành hàng nói chung, không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, doanh nghiệp nào, nên không thể có hỗ trợ trực tiếp.

“Việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hay các biện pháp hỗ trợ cụ thể khác có thể có nguy cơ vi phạm cam kết trợ cấp của Hiệp định chống trợ cấp của WTO” – ông Phú nói, và nhấn mạnh tới đây sẽ tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu tại nước ngoài.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc gạo ngon nhất thế giới ST25 Việt Nam đang loay hoay với chuyện đăng ký và bảo vệ thương hiệu trên không gian thương mại toàn cầu cho thấy ngoài vấn đề thương mại, chúng ta còn yếu kém về vấn đề sở hữu trí tuệ, không tạo thuận lợi cho nhà nghiên cứu và sản vật Việt Nam ra thế giới