VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán Mỹ kết thúc tháng tốt nhất kể từ năm 2020

Chứng khoán Mỹ kết thúc tháng tốt nhất kể từ năm 2020

19:59 - 30/07/2022

Các chỉ số đều tăng mạnh trong tháng 7 sau khi có nửa đầu năm tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Chứng khoán Mỹ tăng trên diện rộng trong phiên ngày thứ Sáu, với cả 3 chỉ số chính đều tăng trong tháng 7. Các chỉ số đều có tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2020, phục hồi sau khởi đầu tồi tệ trong năm 2022.

Chỉ số S&P 500 tăng 9,1% trong tháng 7, trong khi Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones tăng 6,7%, mức tăng theo tháng mạnh nhất cho mỗi chỉ số kể từ tháng 11/2020. Chỉ số Tổng hợp Nasdaq thiên về công nghệ tăng 12% trong tháng tốt nhất kể từ tháng 4/2020.

Các chỉ số Nasdaq, S&P 500 và Dow Jones đều tăng mạnh trong tháng 7. Nguồn: TradingView.

Các chỉ số Nasdaq, S&P 500 và Dow Jones đều tăng mạnh trong tháng 7. Nguồn: TradingView.

Các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn trong những ngày gần đây khi nghĩ rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể khiến Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Họ cũng nhận được những tín hiệu tích cực trong mùa báo cáo tài chính, đẩy kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận quý lên cao hơn trong tháng.

Nhưng các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia cũng tranh cãi về việc liệu chứng khoán có thể giữ vững mức tăng gần đây được không, khi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và có những tín hiệu đáng lo ngại về nền kinh tế.

“Có vẻ như thị trường đã tuyên bố chiến thắng trước lạm phát quá sớm”, Sameer Samana – chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện đầu tư Wells Fargo – cho biết. “Điều đó hoàn toàn không đúng với những gì Fed và Chủ tịch [Jerome] Powell đưa ra trong tuần này”.

Mặc dù tăng mạnh trong tháng 7, các chỉ số chính vẫn nằm sâu ở vùng đỏ trong năm 2022, sau khi S&P 500 kết thúc vào tháng 6 với nửa đầu năm tệ nhất kể từ 1970. Chỉ số này hiện giảm 13% trong năm.

Các tín hiệu kinh tế mâu thuẫn buộc giới đầu tư phải tự vạch ra hướng đi phía trước mà không có cái nhìn rõ ràng về triển vọng môi trường kinh doanh. Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy nền kinh tế Mỹ thu hẹp trong quý thứ hai liên tiếp, thỏa mãn định nghĩa không chính thức về suy thoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tiếp tục tạo thêm việc làm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.

“Tình hình thật kỳ lạ khi thị trường lao động thực sự mạnh mẽ cùng với một môi trường kinh tế yếu hơn”, Michael Vogelzang – giám đốc đầu tư của Captrust – cho biết. “Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai có thể thực sự hiểu được tình hình sẽ tiến triển thế nào nếu không có thêm dữ liệu”.

Sau khi tăng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp thứ hai liên tiếp vào thứ Tư tuần này, Fed chỉ ra rằng họ nhiều khả năng sẽ giảm tốc độ thắt chặt để đánh giá tác động của lãi suất tăng đối với nền kinh tế. Trong khi đó, khoảng 73% các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận quý vượt dự báo, giúp xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về lợi nhuận lao dốc.

Nhưng nhiều người vẫn thận trọng về triển vọng nền kinh tế và chứng khoán. Với lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm, một số người cho rằng các ngân hàng trung ương ở Mỹ và các nước khác sẽ tiếp tục tăng nhanh lãi suất. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ thu hẹp trong quý thứ hai liên tiếp làm tăng thêm sự lo lắng.

Brian O’Reilly – trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Mediolanum International Funds – cho biết lợi nhuận doanh nghiệp chưa giảm mạnh là một dấu hiệu tốt. “Nhu cầu của người tiêu dùng vẫn tương đối mạnh”. Tuy nhiên, ông dự đoán rằng sự phục hồi của cổ phiếu sẽ không kéo dài lâu. “Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với bối cảnh kinh tế khá ảm đạm”, ông nói và cho biết thêm rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh.