VNReport»Top»5 ứng dụng nhắn tin miễn phí thay thế cho Zalo

5 ứng dụng nhắn tin miễn phí thay thế cho Zalo

15:13 - 02/08/2022

Các ứng dụng như Facebook Messenger, Viber, Telegram … có thể là lựa chọn thay thế cho những người không muốn sử dụng Zalo.

Mới đây, ứng dụng nhắn tin phổ biến Zalo bắt đầu thu phí đối với một số người dùng và hạn chế một số tính năng đối với các tài khoản miễn phí

Những người không hài lòng với thay đổi này của Zalo có các lựa chọn khác, bao gồm những ứng dụng cũng khá phổ biến sau đây.

  1. Facebook Messenger

Từng là một tính năng được tích hợp trong mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, Messenger được tách ra thành ứng dụng riêng vào năm 2011. Điểm mạnh của Messenger vẫn là khả năng tích hợp cao với Facebook, khi mà người dùng chỉ cần có tài khoản Facebook để sử dụng các tính năng của Messenger bao gồm nhắn tin, gọi điện âm thanh hoặc video, chia sẻ hình ảnh, tập tin … Với sự phổ biến của Facebook trong cộng đồng Internet Việt Nam, Messenger là nền tảng nhắn tin phổ biến thứ hai sau Zalo.

Một số tính năng khác của Messenger bao gồm máy trả lời tự động (chatbot) hay Messenger Rooms – tạo một phòng họp trực tuyến qua video lên đến 50 người.

  1. Skype

Skype là ứng dụng liên lạc được sáng lập vào năm 2003 bởi một đội ngũ các nhà phát triển từ Thụy Điển, Đan Mạch và Estonia. Microsoft sau đó mua lại Skype với giá 8,5 tỷ USD vào năm 2013. Không giống như Zalo hay Messenger, đối tượng người dùng mục tiêu của Skype là các doanh nghiệp và nhân viên công ty. Đây là một ứng dụng đa nền tảng, hỗ trợ từ Windows, macOS cho đến các thiết bị di động sử dụng Android và iOS.

Ứng dụng này cũng được sử dụng nhiều trong gọi điện nhóm, chuyển tệp tin, tạo phòng họp trực tuyến, gọi điện quốc tế với đường truyền ổn định, độ bảo mật cao. Do cùng công ty mẹ nên Skype có thể dễ dàng kết nối với Teams – ứng dụng họp trực tuyến hàng đầu của Microsoft.

  1. Viber

Viber là phần mềm nhắn tin miễn phí do tập đoàn Rakuten của Nhật Bản nắm giữ. Nó có trên các nền tảng từ Android, iOS đối với điện thoại đến Windows, Mac và Linux trên máy tính. Người dùng đăng ký và được định danh qua số điện thoại, sau đó họ có thể sử dụng dịch vụ trên cả máy tính mà không cần kết nối với điện thoại. Ngoài nhắn tin, Viber cho phép người dùng trao đổi ảnh, video, tập tin, đồng thời cung cấp dịch vụ gọi điện thoại quốc tế.

Viber được giới thiệu lần đầu vào năm 2010 với đội ngũ phát triển đến từ Israel. Năm 2014, Viber Media – công ty sở hữu ứng dụng – được Rakuten mua lại.

  1. WhatsApp

Đây là một ứng dụng nhắn tin khác cùng có liên quan đến Facebook. Sáng lập năm 2009 ở Mỹ, WhatsApp được Facebook Inc (hiện là Meta Platforms) mua lại vào tháng 2/2014 với cái giá khoảng 19,3 tỷ USD.

Đây là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới từ năm 2015 đến nay. Ở Việt Nam, WhatsApp được sử dụng trong môi trường doanh nghiệp để liên lạc với các đối tác quốc tế nhiều hơn là nhắn tin trong nước. Thời gian gần đây, Meta liên tục cập nhật và cải thiện các tính năng, như tăng giới hạn kích cỡ tập tin chia sẻ hay quy mô tối đa của một nhóm, đồng thời cam kết về bảo mật sau nhiều bê bối liên quan đến vấn đề này.

Thống kê tin nhắn là một tính năng đặc biết của WhatsApp. Cụ thể, ứng dụng có thể thống kê cho người dùng xem họ giao tiếp nhiều với ai, nhóm nào đang hoạt động nhiều với lượng tin nhắn cụ thể.

  1. Telegram

Telegram là một ứng dụng nhắn tin, gọi video, chia sẻ tập tin … dựa trên công nghệ đám mây, miễn phí, đa nền tảng, ra mắt vào năm 2013. Ứng dụng này có mặt ở tất cả các nền tảng lớn trên điện thoại và máy tính, mặc dù người dùng cần phải đăng ký bằng một số điện thoại.

Gần như tất cả các thành phần của Telegram là phần mềm mã nguồn mở (trừ mã nguồn máy chủ) – một điểm khác biệt so với các ứng dụng nhắn tin phổ biến khác. Ngoài ra, Telegram còn cho phép người dùng tùy chọn mã hóa đầu cuối các cuộc trò chuyện. Với tính năng này, chỉ có người dùng và máy chủ của Telegram có thể tiếp cận được dữ liệu trò chuyện, nhưng các bên thứ ba khác (bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ Internet) không thể.

Người dùng có thể gửi tin nhắn văn bản, tin nhắn thoại, gọi điện qua âm thanh và video, chia sẻ ảnh và tệp tin không giới hạn số lượng (tối đa 2 GB mỗi tệp tin) … Họ cũng có thể theo dõi kênh của những người nổi tiếng.