VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chi phí cao khiến nông dân nuôi cá tra do dự tái ao

Chi phí cao khiến nông dân nuôi cá tra do dự tái ao

11:22 - 04/08/2022

Chi phí con giống, thức ăn chăn nuôi cao do lạm phát khiến nhiều nông dân nuôi cá tra thua lỗ mặc dù nhu cầu xuất khẩu ở mức cao.

Các doanh nghiệp cá tra ghi nhận tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2022 nhờ nhu cầu cao trên thị trường toàn cầu. Nhưng chi phí gia tăng, chủ yếu do lạm phát, đang khiến nông dân đối mặt với quyết định khó khăn là có nên tái ao hay không.

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu lượng cá tra trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) mua lượng cá tra Việt Nam trị giá 427,6 triệu USD (417,9 triệu EUR), tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ mua 356,4 triệu USD, tăng 111%. Các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Mexico, Việt Nam, Peru, Chile, Brunei và Malaysia – mua 180 triệu USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, các công ty xuất khẩu cá tra cũng được hưởng giá bán cao hơn trong 6 tháng đầu năm 2022 do nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng. Vĩnh Hoàn – nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu cả nước – đạt giá trị xuất khẩu 226 triệu USD trong nửa đầu năm 2022, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty cá tra khác cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu cao hơn nhiều, bao gồm Thủy sản Biển Đông với doanh thu tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái; IDI đạt mức tăng trưởng 86% về doanh thu xuất khẩu; Navico ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu 41% theo giá trị; Văn Đức Tiền Giang tăng 61%; doanh thu xuất khẩu của Đại Thành Tiền Giang tăng 118%; và NTSF đạt mức tăng 87%.

Tổng sản lượng khai thác cá tra nửa đầu năm nay tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng khai thác cá tra nửa đầu năm nay tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, Việt Nam có tổng diện tích nuôi cá tra 3.105 ha trong 6 tháng đầu năm, tăng 1% so với nửa đầu năm 2021. Tổng sản lượng khai thác 771.430 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thủy sản.

Tuy nhiên, VASEP nhận định xuất khẩu cá tra trong quý III/2022 khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như cũ, chủ yếu do tác động của lạm phát cao trên thị trường thế giới. VASEP cho biết lạm phát cao không chỉ tác động đến giá cả ở cấp độ người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá tra ở Việt Nam do giá thức ăn và các nguyên liệu đầu vào khác cao hơn. Dữ liệu từ VASEP cho thấy giá cá tra tại ao ở tỉnh Đồng Tháp vào giữa tháng 7 là 28.000-29.000 đồng/kg đối với cá cỡ nhỏ 0,7-0,8 kg/con, tăng khoảng 8.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Quốc Nghĩa cho biết rằng mặc dù giá tăng nhưng người nuôi cá tra đang phải chịu lỗ do giá thức ăn và các chi phí khác tăng. Giá thành sản xuất gần 30.000 đồng/kg, cao hơn giá bán tại ao. Ông Nghĩa cho biết việc thua lỗ khiến nhiều nông dân không muốn tái ao.

Ông Trương Văn Điền – nguyên chủ nhiệm một hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Đồng Tháp – cảnh báo rằng nếu các công ty chế biến không tăng giá thu mua, nhiều khả năng ngành sẽ thiếu cá tra nguyên liệu để chế biến, vì diện tích nuôi không mở rộng.

Bà Võ Thị Tường Oanh – Giám đốc Kinh doanh của công ty kinh doanh thủy sản Siam Canadian Việt Nam – cho biết giá thức ăn cho cá tra đã tăng 15-20% trong năm nay.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng cho biết chi phí thức ăn chiếm từ 75 đến 80% giá thành sản xuất. Tuy nhiên, với việc giá cá tra giống và các nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng đáng kể, chi phí sản xuất tổng thể đã tăng 35% so với năm ngoái. Ông cho biết thêm rằng giá cá tra hạ nhiệt trong tháng 7, giảm từ mức 32.500 đồng/kg hồi tháng 5. Điều này là do nhu cầu từ thương lái Trung Quốc thấp hơn. Nếu giá giảm hơn nữa, nông dân sẽ không thả con giống mới.

Trong khi đó, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá thức ăn cho nhiều loại thủy sản khác nhau trong tháng 6 và tháng 7. Tuy nhiên, giá thức ăn cho cá tra gần đây không tăng, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu thức ăn cho cá tra chậm lại.

Giá cá tra giống giảm trong tháng 7, cũng cho thấy nhu cầu của người nuôi không còn cao như trước. Giá trong tháng 7 là 27.000-28.000 đồng/kg cá giống, giảm từ 30.000-32.0000 đồng/kg vào tháng 5, và giảm gần một nửa so với mức 54.000 đồng/kg hồi tháng 3.

Bất chấp những dấu hiệu này, bà Oanh cho biết quyết định gần đây của Trung Quốc về việc chấm dứt các hạn chế nhập khẩu liên quan đến Covid đối với thủy sản Việt Nam sẽ giúp thị trường phục hồi. Giá bán có thể tăng lên vì Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của ngành cá tra Việt Nam.

Ông Nghĩa cũng lạc quan về cơ hội của ngành để đạt giá trị xuất khẩu kỷ lục 2,6 tỷ USD trong năm nay, tương đương mức tăng 61,5% so với năm 2021. Ông cho biết hiệp hội đang khuyến khích nông dân địa phương tham gia các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và làm việc với các công ty cá tra trong chuỗi cung ứng để tránh những tác động tiêu cực của điều kiện thị trường thay đổi nhanh chóng.