VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp đói vốn khi ngân hàng hết room tín dụng

Doanh nghiệp đói vốn khi ngân hàng hết room tín dụng

16:46 - 08/08/2022

Các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực lo lắng về nguy cơ cạn vốn kinh doanh.

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng mạnh sau đại dịch, việc các ngân hàng hết room tín dụng đang khiến các doanh nghiệp lo lắng về nguy cơ cạn vốn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Vietravel Holdings – cho biết đã liên hệ với nhiều ngân hàng nhưng vẫn không vay mới được, trong khi chưa rõ các hợp đồng tín dụng cũ có được gia hạn hay không. Nhiều ngân hàng nói với công ty rằng không thể cho vay mới vì sắp hết room tín dụng. Trong khi đó, những ngân hàng khác yêu cầu doanh nghiệp chờ đợi. Ông Kỳ cho biết Vietravel cần vốn để chuẩn bị cho kinh doanh những tháng cuối năm: công ty cần tiền để đặt trước chỗ ở, vé máy bay, đồ ăn và các dịch vụ khác.

Doanh nghiệp khó vay vốn từ ngân hàng do các ngân hàng gần hết room tín dụng.

Doanh nghiệp khó vay vốn từ ngân hàng do các ngân hàng gần hết room tín dụng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Công ty ATP – cho biết việc thiếu vốn đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Một số đối tác của công ty không trả được nợ cho ATP. Doanh nghiệp nợ nhau, trong khi ngân hàng giải ngân vốn rất chậm.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết các công ty thành viên đang gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Nhiều công ty không thể mua và dự trữ nguyên liệu đầu vào vì vốn đã cạn kiệt.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME) cho biết rằng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng do hạn mức tín dụng của các ngân hàng hạn hẹp. Nhìn chung, nhu cầu vốn tăng mạnh trong quý III do các doanh nghiệp phải chuẩn bị sản phẩm cho dịp cuối năm và dịp Tết.

Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM – cho biết nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ và các doanh nghiệp cần vốn để khôi phục chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tuyển dụng lao động mới, đổi mới máy móc thiết bị. Chi phí cho nguyên vật liệu đầu vào và mặt bằng cũng đang có xu hướng tăng lên.

Nhiều ngân hàng cho biết sắp hết room tín dụng. Ví dụ, Agribank nói rằng hạn ngạch tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao cho năm 2022 là 7% và hiện đã sử dụng 6%. Các ngân hàng khác như Vietcombank, VPBank, HDBank, SCB, SeABank, MSB và Techcombank đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 8-10% trong 6 tháng đầu năm, nên không còn nhiều room.

Các ngân hàng cảnh báo về vấn đề room tín dụng từ tháng 5. Trong tháng 6, các ngân hàng thương mại đã xin thêm nhưng đề xuất của họ vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận. Vì khan vốn nên một số ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp phàn nàn rằng một số ngân hàng tăng lãi suất 0,5-1 điểm phần trăm kể từ đầu tháng 8.

Trong khi có những ý kiến cho rằng cần phải thắt chặt tín dụng để giúp kiềm chế lạm phát, cũng có những chuyên gia nhận định lạm phát chủ yếu là do chi phí đẩy nên thắt chặt chinh sách tiền tệ sẽ không giúp giảm lạm phát.