VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát của Mỹ giảm nhẹ xuống 8,5% trong tháng 7

Lạm phát của Mỹ giảm nhẹ xuống 8,5% trong tháng 7

09:06 - 11/08/2022

Tốc độ tăng giá cả chậm lại từ mức đỉnh trong 4 thập kỷ, khi chi phí năng lượng, xăng dầu giảm.

Tốc độ tăng giá cả ở Mỹ chậm lại trong tháng 7 do chi phí năng lượng thấp hơn, kéo lạm phát theo năm giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

Hôm thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong tháng 7 so với cùng cùng kỳ năm trước, giảm từ 9,1% trong tháng 6 – khi tốc độ lạm phát cao nhất kể từ tháng 11/1981.

Tính theo tháng, CPI đi ngang trong tháng 7 sau khi tăng 25 tháng liên tiếp do giá năng lượng như xăng dầu giảm. Lạm phát cơ bản – loại trừ giá năng lượng và thực phẩm – là 0,3% trong tháng trước, giảm mạnh so với mức 0,7% của tháng 6.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh thứ Sáu, với chỉ số Tổng hợp Nasdaq hiện đã cao hơn 20% so với mức đáy trong năm nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.

Áp lực giá giảm mạnh ở nhóm năng lượng, trong đó xăng giảm 7,7% trong tháng 7 so với tháng trước. Giá ô tô đã qua sử dụng – tăng mạnh trước đó trong đại dịch – cũng giảm theo tháng, cũng như giá vé máy bay và quần áo.

Giá xăng ở Mỹ giảm 7,7% trong tháng 7 so với tháng 6.

Giá xăng ở Mỹ giảm 7,7% trong tháng 7 so với tháng 6.

Giá thực phẩm tăng 1,3% trong tháng 7 so với tháng trước và tăng 13,1% trong tháng 7 so với một năm trước – tốc độ theo năm nhanh nhất kể từ 1979. Chi phí ăn ngoài cũng tăng.

Brian Bethune – một nhà kinh tế tại Đại học Boston – cho biết: “Các hộ gia đình vui vì giá xăng dầu đang giảm, nhưng họ vẫn bị tác động về thực phẩm”.

Theo OPIS – một nhà phân tích và cung cấp dữ liệu năng lượng – giá một gallon xăng trung bình toàn quốc giảm xuống 4 USD vào thứ Sáu, rẻ hơn 1 USD so với giữa tháng 6 nhưng vẫn cao hơn một năm trước.

Ông Bethune cho biết rằng giá thực phẩm có thể sẽ giảm trong những tháng tới khi nguồn cung được cải thiện đến tay người tiêu dùng. “Đối với những thứ thực sự ăn sâu vào túi tiền, xăng và thực phẩm, chúng ta đã chứng kiến ​​bước ngoặt của xăng và tôi nghĩ rằng chúng ta sắp chứng kiến sự sụt giảm đối với thực phẩm”.

Lạm phát tăng cao là kết quả của tăng trưởng nhanh khi Mỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19, một phần được thúc đẩy bởi lãi suất siêu thấp và biện pháp kích thích của chính phủ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đối mặt với thách thức thắt chặt chính sách tiền tệ để hạ nhiệt thị trường lao động nóng và giảm nhu cầu đủ để kiềm chế lạm phát, nhưng không đến mức gây ra suy thoái.

Các quan chức Fed nâng lãi suất trong cả tháng 6 và tháng 7, và sẽ họp lại vào tháng 9 để xem xét việc tăng thêm. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này muốn thấy bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng áp lực giá đang giảm xuống trước khi làm chậm hoặc dừng việc tăng lãi suất.

Omair Sharif – người đứng đầu công ty dự báo Inflation Insights – cho biết việc lạm phát cơ bản giảm tốc trong tháng là một tin lạc quan đối với Fed. Tuy nhiên, áp lực lạm phát tiếp tục mở rộng. Điều này có thể cản trở đà giảm liên tục của lạm phát lõi mà Fed đang tìm kiếm. “Mặc dù lạm phát cơ bản được điều tiết là một dấu hiệu tốt, nhưng có vẻ như Fed vẫn còn một số việc phải làm”, ông nói. Bất chấp sự điều tiết trong tháng trước, giá cơ bản vẫn tăng 5,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi mục tiêu của Fed là điều tiết lạm phát toàn phần, họ coi giá cơ bản là chỉ báo tốt hơn về lạm phát trong tương lai. Các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách đang đặc biệt theo dõi các tín hiệu cho thấy lạm phát đang trên đà đạt mục tiêu 2% của Fed trong một vài năm tới. Tốc độ tăng giá cao tạo thêm áp lực buộc Fed phải tăng mạnh lãi suất.