Tàu cao tốc là phương tiện giao thông nhanh nhất trên mặt đất, với tốc độ lên đến 300 km/h. Nó có khả năng chuyên chở số lượng lớn hành khách trong thời gian ngắn, phù hợp với những chuyến đi lên tới 1.000 km.
Kể từ những năm 1980, hàng trăm tỷ USD đã được đầu tư vào các tuyến đường sắt tốc độ cao, công suất lớn xuyên Châu Âu và Châu Á, đi tiên phong là Shinkansen của Nhật Bản và Train a Grand Vitesse (TGV) của Pháp.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực tàu cao tốc, xây dựng một mạng lưới đường sắt mới dài 38.000 km đến hầu hết mọi nơi trên đất nước.
Tây Ban Nha, Đức, Ý, Bỉ và Anh đang mở rộng mạng lưới châu Âu. Các quốc gia khác dự kiến theo sau vào những năm 2030.
Năm 2018, châu Phi có được tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên với việc khai trương tuyến Al-Boraq ở Morocco. Ai Cập có thể hoàn thành tuyến đầu tiên của mình trước khi kết thúc thập kỷ này.
Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út và Đài Loan đã có những tuyến đường sắt cao tốc. Ấn Độ, Thái Lan, Nga và Mỹ nằm trong số các nước đang phát triển những chuyến tàu kiểu này. Việt Nam cũng đang cân nhắc phát triển một dự án tàu cao tốc theo chiều dài đất nước.
Sau đây là 10 con tàu cao tốc nhanh nhất thế giới, theo tổng hợp của CNN Travel.
- Maglev Thượng Hải (Trung Quốc, 460 km/h)
Không chỉ là con tàu nhanh nhất thế giới, đây cũng là con tàu duy nhất trên thế giới chở hành khách sử dụng đệm từ (Maglev) chứ không phải bánh thép thông thường trên đường ray thép. Kết nối sân bay Phố Đông của Thượng Hải với ga Long Dương ở trung tâm thành phố, nó có tốc độ thương mại tối đa 460 km/h, hoàn thành chặng đường 30 km chỉ trong 7 phút rưỡi.
Dựa trên công nghệ của Đức, các đoàn tàu Maglev “bay” dọc theo một đường ray trên cao, với các nam châm cực mạnh mang đến một chuyến đi êm ái và không có ma sát.
Sử dụng kinh nghiệm thu được từ hơn một thập kỷ hoạt động thường xuyên, Trung Quốc hiện đã phát triển các đoàn tàu Maglev 600 km/h và có kế hoạch đầy tham vọng cho một mạng lưới các tàu Maglev, bao gồm cả tuyến giữa Thượng Hải và Hàng Châu.
- CR400 “Phục Hưng” (Trung Quốc, 350 km/h)
Ngoài mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất trên thế giới, Trung Quốc hiện cũng sở hữu những con tàu nhanh nhất hành tinh.
Tàu CR400 “Phục Hưng” chạy với tốc độ thương mại tối đa là 350 km/h nhưng từng thử nghiệm thành công 420 km/h. Tàu Phục Hưng được phát triển từ các thế hệ tàu cao tốc trước đây, dựa trên công nghệ nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản, thể hiện sự phát triển của ngành công nghiệp đường sắt Trung Quốc.
Dài tới 16 toa với sức chứa tối đa 1.200 hành khách, dòng tàu ấn tượng này được trang bị các tính năng mới lạ, bao gồm giải trí tại chỗ, màn hình kính thông minh, sạc thiết bị không dây, “cabin thông minh” và thậm chí là các biến thể được thiết kế cho điều kiện thời tiết khắc nghiệt và vận hành tự động – những con tàu cao tốc tự động duy nhất trên thế giới.
Các biến thể CR400 nhanh nhất hiện đang được triển khai trên những tuyến chính: Bắc Kinh – Thượng Hải – Hong Kong và Bắc Kinh – Cáp Nhĩ Tân.
- ICE3 (Đức, 330 km/h)
Thương hiệu InterCity Express (ICE) nổi tiếng thế giới của Đức bao gồm một nhóm tàu nhanh được triển khai trên nhiều tuyến đường khác nhau. Tuy nhiên, thành viên nhanh nhất của nhóm tàu có biệt danh “Sâu trắng” là ICE3 330 km/h, xuất hiện từ năm 1999. Những cỗ máy này được chế tạo cho tuyến Cologne – Frankfurt dài 180 km và giúp giảm thời gian hành trình giữa 2 thành phố từ 2 giờ 30 phút xuống chỉ còn 62 phút kể từ năm 2002.
Tốc độ vận hành thông thường là 300 km/h, nhưng ICE3 được phép tăng lên đến 330 km/h khi muộn giờ, và từng đạt được tốc độ tối đa 368 km/h khi chạy thử nghiệm. Chìa khóa cho hiệu suất của ICE3 là 16 động cơ điện được phân bổ khắp đoàn tàu 8 toa, mang lại công suất khổng lồ 11.000 mã lực.
Đội tàu ICE3 hoạt động trên khắp nước Đức, đồng thời bao gồm các con tàu phục vụ những tuyến quốc tế, kết nối các thành phố lớn của Đức với Paris, Amsterdam và Brussels. Thiết kế này cũng là nền tảng của dòng tàu cao tốc “Velaro” của Siemens, đã được bán cho Tây Ban Nha, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc …
- TGV (Pháp, 320 km/h)
Pháp là nước nắm giữ kỷ lục tốc độ thế giới đối với những con tàu thông thường, từng đạt đến 574,8 km/h vào ngày 3/4/2007. Con số đó cao gần gấp đôi so với tốc độ vận hành thông thường của dịch vụ Train a Grand Vitesse (TGV), một hệ thống tiên phong trong công nghệ đường sắt cao tốc.
Ở châu Âu, đây là mạng lưới tàu cao tốc chuyên dụng đầu tiên, nổi tiếng nhất và thành công nhất, với tiếng tăm vươn xa ra ngoài biên giới của Pháp. Ngành công nghiệp đường sắt Pháp từng phá vỡ kỷ lục về tốc độ vào các năm 1955 (331 km/h), 1981 (380 km/h) và 1990 (515,3 km/h).
Ngày nay, các tuyến cao tốc xuất phát từ Paris đến Lyon, Marseille, Bordeaux, Nantes, Strasbourg, Lille, Brussels và London với các chuyến tàu chạy với tốc độ lên đến 320 km/h trên một số tuyến. Trong 40 năm qua, các chuyến tàu đã phát triển qua nhiều thế hệ khi mạng lưới mở rộng. Những chiếc tàu TGV màu cam mang tính biểu tượng của những năm 1980 đã nhường chỗ cho những đoàn tàu “Duplex” công suất lớn, tiên tiến hơn và có khả năng hoạt động sang các nước láng giềng bao gồm Đức, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha.
Đường sắt cao tốc cũng là một sản phẩm xuất khẩu thành công của Pháp: Công nghệ TGV đã được bán cho Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đài Loan, Morocco, Ý và Mỹ trong 30 năm qua.
- JR East E5 (Nhật Bản, 320 km/h)
Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm đường sắt cao tốc vào năm 1964, và tiếp tục là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, thúc đẩy giới hạn về tốc độ, năng lực và độ an toàn trên các tuyến Shinkansen, còn được gọi là “Tàu viên đạn” của nước này.
Trong khi hầu hết các tàu Shinkansen hiện đang hoạt động với tốc độ tối đa 300 km/h, thì E5 của JR East chạy với tốc độ lên đến 320 km/h trên tuyến từ Tokyo tới Shin-Aomori. Mỗi đoàn tàu có 731 chỗ ngồi và 32 động cơ điện cảm ứng mang lại công suất ấn tượng 12.900 mã lực. Được chế tạo từ hợp kim nhôm nhẹ, E5 có “hệ thống treo chủ động”, cho phép chúng đi qua các khúc cua ở tốc độ cao hơn. Phần mũi dài đặc biệt của toa lái được thiết kế để giảm tiếng nổ tạo ra khi tàu đi vào đường hầm với tốc độ cao.
Được giới thiệu vào năm 2011, 59 đoàn tàu đã được chế tạo. Kể từ năm 2016, chúng cũng được sử dụng ở phía bắc Aomori trên tuyến Hokkaido, kết nối với đảo chính Honshu của Nhật Bản bằng đường hầm Seikan dài 54 km bên dưới eo biển Tsugaru.
- Al Boraq (Morocco, 320 km/h)
Tuyến đường sắt cao tốc chuyên dụng đầu tiên và duy nhất cho đến nay của châu Phi khai trương vào tháng 11/2018, nối thành phố cảng Tangier với Casablanca ở Morocco. Được đặt tên là Al-Boraq, theo tên một sinh vật thần thoại chở các nhà tiên tri Hồi giáo, dịch vụ này là giai đoạn đầu tiên của mạng lưới đường sắt cao tốc 1.500 km theo kế hoạch của Morocco.
Được chế tạo theo tàu điện 2 tầng TGV Euroduplex của Pháp, Al Boraq hoạt động với tốc độ lên tới 320 km/h trên tuyến mới dài 186 km giữa Tangier và Kenitra.
Dự án trị giá 2 tỷ USD cũng bao gồm việc nâng cấp đoạn 137 km hiện có giữa Rabat và Casablanca để đạt tốc độ cao hơn, giảm thời gian hành trình đầu cuối từ 4 giờ 45 phút xuống chỉ còn 2 giờ 10 phút. Thời gian di chuyển sẽ giảm xuống 90 phút một khi tuyến mới đến Casablanca được xây dựng.
Al-Boraq cũng giữ kỷ lục về tốc độ đường sắt châu Phi. Trong các cuộc thử nghiệm trước khi phục vụ vào năm 2017, một trong số 12 đoàn tàu do Alstom chế tạo đã đạt tốc độ 357 km/h trên tuyến mới – hơn gấp đôi tốc độ của con tàu nhanh tiếp theo đang hoạt động ở châu Phi.
- AVE S-103 (Tây Ban Nha, 310 km/h)
Tây Ban Nha gia nhập câu lạc bộ các nước có đường sắt cao tốc vào năm 1992, sử dụng công nghệ TGV nhập khẩu từ Pháp. Kể từ đó, nước này đã phát triển các đoàn tàu siêu tốc của riêng mình và xây dựng mạng lưới tàu chuyên dụng dài nhất châu Âu, trải dài từ Madrid đến Seville, Malaga, Valencia, Galicia và Barcelona.
AVE là viết tắt của Alta Velocidad Espana, nghĩa là “Cao tốc Tây Ban Nha”, nhưng cũng là từ để chỉ loài chim trong tiếng Tây Ban Nha. Nó hoạt động ở tốc độ thương mại tối đa 310 km/h. Niềm tự hào của đội tàu là các đoàn tàu S-102 Talgo và S-103 “Velaro”. Trong đó, S-103 là họ hàng của tàu ICE3 của Đức.
Được chứng nhận tốc độ tối đa 350 km/h và với sức chứa 404 chỗ ngồi, những con tàu S-103 nối 2 thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha, cùng với tàu Talgo S-102.
Vào tháng 7/2006, một tàu S-103 lập kỷ lục tốc độ đường sắt của Tây Ban Nha là 404 km/h – tại thời điểm đó là kỷ lục thế giới đối với một đoàn tàu chở khách thương mại không qua điều chỉnh.
Trong nhiều thập kỷ, đường sắt Tây Ban Nha nổi tiếng với tốc độ thấp và mức độ chậm trễ, nhưng trong 30 năm qua, AVE đã thay đổi hoạt động đi lại đường dài trên khắp đất nước. Mạng lưới có thể được tiếp tục mở rộng để vươn tới mọi nơi trên đất nước.
- KTX (Hàn Quốc, 305 km/h)
Kể từ năm 2004, Hàn Quốc nhanh chóng mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc, bỏ qua các tuyến theo kiểu cũ ở những nơi có địa hình khó khăn khiến thời gian di chuyển chậm và kém cạnh tranh. Bắt đầu với tuyến Seoul-Busan vào năm 2004, tàu KTX có thể hoạt động với tốc độ lên tới 330 km/h, mặc dù giới hạn thông thường là 305 km/h. Các chuyến tàu KTX-I thế hệ đầu tiên, dựa trên công nghệ TGV của Pháp, giảm một nửa thời gian hành trình Seoul-Busan từ hơn 4 giờ xuống chỉ còn 2 giờ 15 phút.
Hàn Quốc là 1 trong 4 quốc gia duy nhất trên thế giới phát triển loại tàu có khả năng chạy với tốc độ trên 420 km/h, cùng với Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc. Nguyên mẫu HEMU-430X thế hệ mới đạt tốc độ 421,4 km/h vào năm 2013, đánh bại kỷ lục tốc độ đường sắt trước đó của Hàn Quốc là 352,4 km/h do tàu KTX HSR-350x thế hệ thứ hai thiết lập. Các chuyến tàu mới nhất sử dụng công nghệ do Hàn Quốc tự thiết kế, có các cabin kín áp suất và kính 3 lớp để giảm tiếng ồn và loại bỏ sự khó chịu trong đường hầm.
Với tối đa 2 chuyến khởi hành mỗi giờ trên các tuyến chính và đoàn tàu lên đến 20 toa, KTX là hệ thống vận tải công cộng tốc độ cao chuyên chở hàng trăm triệu lượt khách mỗi năm. Các chuyến tàu KTX cũng nối Seoul với Gwangju, Mokpo và Yeosu ở phía nam và Gangneung ở phía đông bắc đất nước.
- Trenitalia ETR1000 (Ý, 300 km/h)
Tàu cao tốc Frecciarossa (“Mũi tên đỏ”) của Ý được giới thiệu vào năm 2017. Tên gọi này bắt nguồn từ thiết kế giống như một mũi tên của tàu. Mỗi con tàu có công suất 10.000 mã lực và được thiết kế cho tốc độ tối đa 400 km/h. Mặc dù được phép chạy với tốc độ tối đa 360 km/h trong chở khách, nhưng một đoàn tàu từng đạt tốc độ 394 km/h trong thử nghiệm năm 2016.
Các đoàn tàu dài 200 m có 457 chỗ ngồi ở 4 hạng ghế. Các tuyến Mũi tên đỏ hoạt động trên mạng lưới tốc độ cao hình chữ T của Ý, nối Turin, Milan và Venice ở phía bắc với Bologna, Florence, Rome và Naples.
Những chuyến tàu thương mại thông thường chỉ chạy tối đa 300 km/h, nhưng điều đó đủ để tạo ra một cuộc cách mạng trong việc đi lại giữa các thành phố ở Ý, làm tăng đáng kể thị phần của đường sắt trên các tuyến quan trọng như Milan-Rome và góp phần vào sự sụp đổ gần đây của hãng hàng không quốc gia Alitalia.
Sau khi thử nghiệm rộng rãi trong 2 năm qua, Công ty Đường sắt Quốc gia Ý sẽ đối đầu với các tàu TGV của Pháp trên tuyến Milan-Paris vào năm 2022. Các chuyến tàu Mũi tên đỏ mới cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn cho các tàu TGV đã cũ. Một lô Mũi tên đó khác đang được chuyển đến Tây Ban Nha, nơi chúng sẽ cạnh tranh với các dịch vụ AVE và Ouigo Espana do chính Tây Ban Nha chế tạo trên các tuyến từ Madrid.
- Đường sắt cao tốc Haramain (Ả Rập Xê Út, 300 km/h)
Cái nóng ngột ngạt và bão cát có vẻ không phải là môi trường lý tưởng cho những chuyến tàu điện cao tốc phức tạp, nhưng Đường sắt cao tốc Haramain (HHR) của Ả Rập Xê Út nối các thành phố linh thiêng Mecca và Medina với tốc độ lên đến 300 km/h.
Sử dụng 35 đoàn tàu Talgo do Tây Ban Nha chế tạo được thay đổi để hoạt động trên sa mạc trong nhiệt độ lên tới 50 độ C, chặng đường dài 450 km hiện chỉ mất 2 giờ.
Mỗi đoàn tàu có 13 toa với 417 hành khách ở hạng phổ thông hoặc thương gia. HHR có công suất 60 triệu hành khách/năm. Khả năng này được đưa vào thử nghiệm trong lễ Hajj, cuộc hành hương hàng năm đến Mecca, trong đó hơn 2 triệu người Hồi giáo đến thăm các thánh địa của thành phố. Kể từ khi HHR khai trương vào năm 2018, nó đã trở thành một cách phổ biến để đi lại giữa Medina và Mecca, khi mà chuyến đi bằng đường bộ có thể mất đến 10 tiếng.