VNReport»Kinh tế»Bảo hiểm sức khỏe “lên ngôi” thời dịch bệnh

Bảo hiểm sức khỏe “lên ngôi” thời dịch bệnh

16:40 - 17/08/2022

Bảo hiểm sức khỏe đang chứng minh ưu thế khi chiếm tới 31% doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay.

Mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường bảo hiểm trong nước vẫn tăng trưởng ổn định. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) vừa công bố số liệu thị trường bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo IAV, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 118.252 tỷ đồng, tăng trưởng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.785 tỷ đồng, tăng trưởng 14,1 % so với cùng kỳ 2021; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 84.467 tỷ đồng, tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đạt doanh thu 10.506 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 31,1%, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Tiếp đó là bảo hiểm xe cơ giới với doanh thu đạt 9.367 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,7% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tỷ trọng các mảng bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng đầu năm 2022

Doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.356 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7%, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 7.010 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,8%. Còn bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 4.314 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 12,8%, giảm 2,1%.

Bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 4.612 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 13,7%, tăng trưởng 24,3%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 3.516 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,4%, tăng 26%. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 1.096 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,2%, tăng 19,2% so với cùng kỳ.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 1.603 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,7%, tăng trưởng 16,9%. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 1.435 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,2%, tăng trưởng 8,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, ba nghiệp vụ có giá trị bồi thường cao nhất là bảo hiểm xe cơ giới (giá trị bồi thường 3.732 tỷ đồng), bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện (3.386 tỷ đồng) và bảo hiểm sức khoẻ (3.068 tỷ đồng). Ba nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất là bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện (48,3%), bảo hiểm xe cơ giới (39,8%) và bảo hiểm cháy nổ tự nguyện (35%).

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tính hết tháng 5/2022, số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 13.290.143 hợp đồng, tăng 7,1%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt là 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả 5 tháng năm 2022 cho các sản phẩm bảo hiểm là 15.567 tỷ đồng.

Tính đến nay, thị trường bảo hiểm có 75 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 23 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài).

Về thị phần của các công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường, Bảo Việt Nhân Thọ ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm 16.222 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất là 19,2%. Theo ngay sau là Manulife với doanh thu phí bảo hiểm 15.345 tỷ đồng, thị phần 18,17%. Prudential đạt doanh thu phí bảo hiểm 13.999 tỷ đồng, thị phần 16,57%. Dai-ichi-Life đạt doanh thu 10.402 tỷ đồng, chiếm thị phân 12,31%. Cái tên cuối cùng trong top 5 là AIA với doanh thu 9.051 tỷ đồng và thị phần 10,71%.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhóm sau đều có khoảng cách khá xa về doanh thu phí so với 5 doanh nghiệp đứng đầu.