VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Các chuỗi nhà thuốc bùng nổ trong đại dịch

Các chuỗi nhà thuốc bùng nổ trong đại dịch

11:07 - 24/08/2022

Giá cả rẻ hơn, nhất quán và rõ ràng là một lợi thế cạnh tranh của các chuỗi nhà thuốc so với những cửa hàng truyền thống.

Khi dịch Covid lây lan trên khắp Việt Nam, số lượng hiệu thuốc do các chuỗi lớn điều hành cũng tăng theo.

Trong một lĩnh vực trước đây bị thống trị bởi các cửa hàng nhỏ lẻ, số lượng hiệu thuốc thuộc 3 chuỗi lớn ­– Pharmacity, Long Châu và An Khang – đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019, khi người dân có ý thức hơn về sức khỏe trong đại dịch.

Tổng số cửa hàng của 3 chuỗi nhà thuốc lớn – Pharmacity, Long Châu và An Khang – tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019.

Tổng số cửa hàng của 3 chuỗi nhà thuốc lớn – Pharmacity, Long Châu và An Khang – tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019.

Một trong những yếu tố hấp dẫn người mua thuốc đến với các chuỗi này là giá cả. Trong một chuyến đi gần đây đến một cửa hàng thuốc Long Châu ở Hà Nội, một nhân viên văn phòng 35 tuổi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy bảng giá thuốc ho. “Mức giá này bằng một nửa so với giá thông thường”, cô nói với Nikkei Asia.

Cô cho biết cô thường mua thuốc ho tại các cửa hàng kinh doanh độc lập. Nhưng tại Long Châu, nhiều sản phẩm được bán giảm giá, và chuỗi cũng tặng điểm thưởng để khuyến khích cô đến thăm cửa hàng trong tương lai.

Theo truyền thống, các cửa hàng nhỏ lẻ là địa chỉ mua bán thuốc quen thuộc của người tiêu dùng, với dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo. Tuy nhiên, giá cả tại những cửa hàng này không được niêm yết rõ ràng, thường được thương lượng qua lời nói giữa hai bên. Ngoài ra, một số cửa hàng thay đổi nhãn trên sản phẩm. Những yếu tố này khiến nhiều khách hàng không hài lòng với các cửa hàng nhỏ lẻ.

Để giải quyết vấn đề, các chuỗi nhà thuốc đưa ra mức giá nhất quán, rõ ràng, cũng như thấp hơn để cạnh tranh với các đối thủ. Họ cũng tích cực tham gia vào mảng bán hàng trực tuyến. “Tôi có thể yên tâm mua thuốc tại nhà thuốc mà không phải lo lắng về giá cả hay thành phần”, nhân viên văn phòng cho biết.

Hiện, có tổng cộng khoảng 2.400 cửa hàng thuộc 3 chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam. Pharmacity – chuỗi lớn nhất – có khoảng 1.100 điểm bán. Đến năm 2025, một nửa dân số Việt Nam sẽ có thể đến cửa hàng Pharmacity trong vòng 10 phút đi xe máy, CEO Chris Blank cho biết. Công ty có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 5.000 cửa hàng vào thời điểm đó.

Long Châu – một đơn vị của tập đoàn FPT – có khoảng 700 địa điểm. An Khang – được tập đoàn Thế Giới Di Động mua lại ­– hiện có khoảng 500 cửa hàng. Các chuỗi nước ngoài – chẳng hạn như Watsons của Hong Kong và Matsumotokiyoshi của Nhật Bản – cũng đã mở cửa hàng tại TP HCM.

Thu nhập tăng lên và thói quen tiêu dùng thay đổi đang tạo ra những động lực tăng trưởng cho những kênh bán lẻ mới. Ví dụ, khách hàng chuyển sang mua thực phẩm tươi sống nhiều hơn tại các cửa hàng trong nhà thay vì ở chợ truyền thống ngoài trời.

Hiện nay, các hiệu thuốc ở Việt Nam thường bán dược phẩm và thực phẩm chức năng. Họ có thể kinh doanh giống với cửa hàng tiện lợi hơn bằng cách bán cả thực phẩm, mỹ phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày.