VNReport»Kinh tế»Nhật Bản trở lại với điện hạt nhân

Nhật Bản trở lại với điện hạt nhân

09:41 - 25/08/2022

Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng chính phủ sẽ đẩy mạnh tái khởi động các lò phản ứng và nghiên cứu xây nhà máy mới.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn khôi phục lĩnh vực năng lượng hạt nhân của nước này, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011, bằng cách đẩy nhanh việc tái khởi động các lò phản ứng và báo hiệu việc xây dựng các nhà máy mới.

Quyết định ủng hộ điện hạt nhân của ông Kishida nhằm mục đích kiềm chế chi phí năng lượng tăng cao cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất công nghệ hạt nhân của Nhật Bản. “Do hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine, tình hình năng lượng toàn cầu đã thay đổi đáng kể”, ông Kishida cho biết hôm thứ Tư.

“Dù bất cứ điều gì xảy ra trên toàn cầu, chúng ta cần chuẩn bị trước mọi biện pháp có thể để giảm thiểu tác động đến cuộc sống của người dân”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ sẽ đưa ra các kế hoạch cụ thể cho lĩnh vực hạt nhân vào cuối năm nay.

Kế hoạch nghiên cứu xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới – mà các chuyên gia cho rằng có thể an toàn hơn những lò sử dụng công nghệ hiện có – đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của chính phủ kể từ cuộc khủng hoảng Fukushima.

Nhật Bản không xây mới nhà máy điện hạt nhân nào kể từ cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011.

Nhật Bản không xây mới nhà máy điện hạt nhân nào kể từ cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011.

Thủ tướng đã tuyên bố khởi động lại một số nhà máy hạt nhân sau khi Tokyo suýt bị mất điện trong năm nay. Với việc tăng tốc, chính phủ đặt mục tiêu đưa trở lại 17 trong tổng số 33 lò phản ứng có thể hoạt động được vào mùa hè năm sau, đồng thời kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hiện có.

Hy vọng về sự hồi sinh điện hạt nhân giúp cổ phiếu của Tokyo Electric Power Co – chủ sở hữu 3 ba lò phản ứng bị nóng chảy ở Fukushima – tăng 10%, trong khi cổ phiếu của nhà cung cấp thiết bị hạt nhân Mitsubishi Heavy Industries tăng 6,9% và Japan Steel Works tăng 5,5%.

Không có nhà máy hạt nhân mới nào được xây dựng ở Nhật Bản kể từ sau thảm họa năm 2011, khi trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử đất nước dẫn đến sự cố nóng chảy tại nhà máy Fukushima Daiichi.

Giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh, một phần do chiến tranh Ukraine, khiến các nước phải xem xét lại chính sách năng lượng. Ngoài Nhật Bản, Đức cũng đang cân nhắc lại kế hoạch rút khỏi năng lượng hạt nhân của mình vào cuối năm nay – được quyết định sau sự cố Fukushima.

Chính sách năng lượng của Nhật Bản bị tê liệt kể từ khi thảm họa năm 2011 khiến hầu hết các lò phản ứng hạt nhân của nước này phải đóng cửa. Điều đó buộc nền kinh tế tiên tiến lớn nhất châu Á phải đốt thêm than, khí đốt và dầu nhiên liệu, ngay cả khi nước này cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vì Nhật Bản nhập khẩu phần lớn năng lượng, nên nước này bị ảnh hưởng nặng nề do giá cả tăng. Nhật Bản phụ thuộc vào Nga khoảng 9% nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

“Bây giờ là thời điểm hoàn hảo để làm điều này”, Tom O’Sullivan thuộc công ty tư vấn năng lượng Mathyos cho biết. Ông lưu ý rằng ông Kishida không phải đối mặt với bất kỳ cuộc bầu cử lớn nào trong 3 năm tới. “Nhật Bản phải trả nhiều tiền hơn cho điện so với hầu hết các nước khác trong nhóm G7, vì vậy khả năng cạnh tranh công nghiệp cũng là một vấn đề”.

Trước Fukushima, Nhật Bản lấy 1/3 lượng điện của mình từ các lò phản ứng hạt nhân. Giờ đây, chỉ có 6 lò đang hoạt động với việc khởi động lại bị cản trở bởi một loạt những sự cố an toàn và công chúng mất lòng tin sâu sắc đối với các công ty điện lực.

Khởi động lại các nhà máy hạt nhân là trọng tâm vận động hành lang của các doanh nghiệp Nhật Bản trong năm nay, theo những người trực tiếp liên quan. Họ nói rằng nguy cơ mất điện ở Tokyo và cuộc chiến Ukraine là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng số lượng công ty tham gia, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kêu gọi tái khởi động sau kỷ niệm 10 năm cuộc khủng hoảng Fukushima.

Một người thân cận với đơn vị hoạch định chính sách của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Kishida cho biết: “Có cảm giác rằng đã đủ thời gian trôi qua và công chúng sẽ lo lắng về nguồn cung năng lượng hơn là nguy cơ hạt nhân”. Nhưng người đó cũng lưu ý rằng sự phản đối ở địa phương vẫn còn mạnh, vì vậy có lẽ còn quá sớm để cho rằng tất cả 17 lò phản ứng hiện có sẽ trở lại. Các cuộc bầu cử địa phương trên khắp đất nước trong vài năm tới sẽ cho thấy ý kiến dư luận về năng lượng hạt nhân, ông nói.

Frank Ling – nhà khoa học trưởng tại Viện Anthropocene – cho biết rằng tình hình địa chính trị làm tăng mức độ cấp thiết trong nhu cầu phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới và an toàn hơn của Nhật Bản. Ông Kishida cũng có thể đang nhắm tới việc mở rộng năng lực cạnh tranh của Nhật Bản trong việc bán công nghệ hạt nhân, “đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi có nhu cầu phát triển năng lượng cấp thiết”, ông Ling cho biết.