VNReport»Kinh tế»Ngành logistics Việt Nam vướng mắc cơ sở hạ tầng

Ngành logistics Việt Nam vướng mắc cơ sở hạ tầng

17:34 - 28/08/2022

Quy mô và chất lượng của mạng lưới cơ sở hạ tầng được cho là “thách thức chính” đối với ngành logistics Việt Nam.

Ngành logistics của Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong năm nay bất chấp biến động kinh tế toàn cầu, nhưng để tăng trưởng lâu dài và bền vững, cần phải phát triển cơ sở hạ tầng, theo các đơn vị nghiên cứu thị trường.

Fitch Solutions dự báo rằng khối lượng chuyên chở sẽ tăng lên trong tất cả các lĩnh vực vận tải khi nền kinh tế của đất nước phục hồi. Trong đó, vận tải hàng không dự báo tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ 14,6%, tiếp theo là đường bộ (10,1%) và đường sắt (4,4%). Vận tải biển cũng được kỳ vọng sẽ nhận được động lực từ thương mại tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Việt Nam chỉ xếp thứ 71 trong số 201 thị trường về mạng lưới giao thông với số điểm ở mức trung bình là 56,8/100. Fitch nhận định rằng quy mô và chất lượng của mạng lưới cơ sở hạ tầng là “thách thức chính đối với các nhà đầu tư”. “Việc phụ thuộc quá mức vào mạng lưới đường bộ để chở hành khách và hàng hóa làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn cho bảo hiểm để bảo vệ khỏi rủi ro hàng hóa bị hư hỏng và nhân viên bị thương”, họ viết.

Fitch Solutions nhận định rằng ngành logistics Việt Nam phụ thuộc quá mức vào mạng lưới đường bộ.

Fitch Solutions nhận định rằng ngành logistics Việt Nam phụ thuộc quá mức vào mạng lưới đường bộ.

Trong một báo cáo công bố vào tháng 8, HSBC cũng cho biết Việt Nam cần tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, vốn đã bị gián đoạn trong 2 năm do đại dịch.

Quy hoạch tổng thể về mạng lưới đường bộ được phê duyệt vào tháng 9 năm ngoái dự kiến ​​sẽ tăng tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc từ 1.290 km hiện tại lên 5.000 km vào năm 2030. Tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đang được đẩy nhanh và dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang được cân nhắc lại sau khi bị Quốc hội bác vào năm 2010.

Tuy nhiên, nhiều dự án chậm tiến độ và đội vốn, với nhiều đoạn trong số 11 đoạn của đường cao tốc Bắc-Nam chưa hoàn thành sau thời hạn 2017-2020, HSBC cho biết. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cho cơ sở hạ tầng cũng là một trở ngại. Mức chi đầu tư công tính đến tháng 7 chỉ bằng 34,5% ngân sách dành cho năm nay.

Hợp tác công tư là một giải pháp khả thi thay thế cho các dự án công, nhưng quy mô còn hạn chế. HSBC cho biết Việt Nam cần cải cách môi trường đầu tư để khuyến khích khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Trong khi các dự án công còn chậm, nhiều công ty tư nhân đang đẩy mạnh đầu tư. Gemadept dự kiến sớm bắt đầu xây dựng giai đoạn hai của cảng nước sâu Gemalink, mục tiêu khai trương vào năm 2025. Dự án này sẽ giúp tăng gấp 3 lần công suất của cảng lên gần 3 triệu TEU mỗi năm. Mảng kho bãi cũng đang nóng lên với việc J&T Express mở một nhà kho rộng 60.000 m2 tại Huyện Củ Chi, TP HCM vào tháng 5.