VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nhật Bản nguy cơ mất an ninh lương thực

Nhật Bản nguy cơ mất an ninh lương thực

15:59 - 31/08/2022

Chế độ ăn của người dân thay đổi khiến Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực.

Nỗi lo chung toàn cầu

Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có và theo cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trong năm 2022 đang hiện hữu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng năm 2008 khi thế giới bị gián đoạn chuỗi cung ứng từ Nga và Ukraine, hai quốc gia vốn đóng góp khoảng 28% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, 15% lượng ngô và 75% lượng dầu hướng dương trong mùa vụ năm 2020-2021. Hạn hán ở Mỹ, mưa gió ở Pháp hay khí hậu khô nóng ở Argentina hay nắng nóng bất thường tại Ấn Độ được dự báo cũng làm giảm sản lượng trong mùa vụ 2022-2023.

Đáng lo ngại hơn khi Ấn Độ, một trong ít nhất 19 quốc gia áp đặt hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine tháng 2/2022, khiến giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến các dòng thương mại nông sản quốc tế và gây ra nhiều cuộc biểu tình bạo lực ở một số nước đang phát triển. Từ Delhi (Ấn Độ) đến Kuala Lumpur (Malaysia), Buenos Aires (Argentina), các chính phủ liên tiếp áp đặt các biện pháp hạn chế, vào đúng lúc nền kinh tế đang bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 cộng thêm nhiều nhân tố như thời tiết cực đoan và tắc nghẽn chuỗi cung ứng, làm gia tăng nạn đói trên khắp thế giới đến mức chưa từng thấy.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) hồi tháng 4 cho rằng, số người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, lên 276 triệu người tại 81 quốc gia, trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine. Dự báo, căng thẳng Nga-Ukraine sẽ làm gia tăng số người mất an ninh lương thực thêm ít nhất 33 triệu người, hầu hết ở vùng nam sa mạc Sahara ở châu Phi.

Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nước thành viên có thể áp đặt cấm xuất khẩu hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực hoặc các sản phẩm khác nếu nước mình trong tình trạng khan hiếm nghiêm trọng loại sản phẩm đó. Tuy nhiên, các hạn chế xuất khẩu đang có nguy cơ làm trầm trọng hơn đà tăng giá lương thực toàn cầu, gây hiệu ứng domino. Nếu nhiều nước có các bước đi tương tự thì cuộc khủng hoảng lương thực sẽ tồi tệ hơn.

Những cánh đồng lúa đang ngày càng thu hẹp tại Nhật Bản

Nhật Bản loay hoay giải bài toán an ninh lương thực

Nằm trong xu thế chung của toàn cầu, Nhật Bản đang phải đối diện với bài toán nan giải để đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới. Những cánh đồng lúa đang ngày càng bị thu hẹp do người dân không còn mặn mà với các bữa ăn truyền thống đang khiến nước Nhật loay hoay tìm lời giải cho bài toán an ninh lương thực. Khả năng tự chủ lương thực của đất nước này giảm xuống 38% vào năm 2021 so với 73% của năm 1965. Đây cũng là khả năng tự chủ lương thực thấp nhất so với các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Hiện người Nhật lựa chọn chế độ ăn ít gạo và nhập khẩu lương thực nhiều hơn. Theo số liệu của chính phủ nước này, một người Nhật hiện ăn 53 kg gạo mỗi năm, ít hơn một nửa so với những năm 1960. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Nhật cũng đã giảm xuống dưới 25kg/năm so với hơn 40kg/năm của 2 thập niên trước. Những người ăn cá đang lựa chọn các loại thực phẩm nhiều chất béo hơn, chẳng hạn như cá thu và cá hồi Na Uy hay Chile…

Việc gia tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu khiến các chuyên gia nước này lo ngại một xung đột trong khu vực có khả năng cắt đứt các nguồn cung lương thực của Nhật Bản, dẫn tới nguy cơ tạo ra bất ổn với an ninh quốc gia. Hiện tại, Nhật Bản vừa phải tăng ngân sách quốc phòng, vừa phải phân bổ nguồn lực cho an ninh lương thực. Tuy nhiên, tiền cũng không giải quyết được vấn đề.

Dân số Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp đang già đi và ngày càng thu hẹp. Cùng với đó, số nông dân bán thời gian đang ngày một nhiều, họ không thể canh tác một năm 2 vụ và số thời gian ruộng đồng bị bỏ không ngày càng tăng. Nhà chức trách Nhật Bản đang nỗ lực khuyến khích để người dân ăn gạo nhiều hơn. Họ tính toán nếu mỗi người dân Nhật Bản chỉ cần ăn thêm một miếng cơm mỗi bữa, khả năng tự chủ calo của nước này có thể tăng thêm 1%. Tuy nhiên, vẫn chưa có thành công đáng kể nào được ghi nhận.

Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu Canon ước tính sản lượng gạo năm nay của Nhật Bản do Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp công bố sẽ chỉ đạt 6,75 triệu tấn. Tức là nếu không tính phần lương thực nhập khẩu thì số lượng này chỉ đảm bảo được cho một nửa dân số Nhật Bản.

Hiện, những căng thẳng địa chính trị trong khu vực khiến Nhật Bản đầu tư nhiều tiền cho ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nước Nhật cần tăng lượng gạo và lúa mì trồng trong nước để đảm bảo an ninh quốc gia. “Về mặt an ninh quốc gia, lương thực nên đi trước vũ khí. Nếu không có thức ăn, chẳng ai có thể chiến đấu.” – ông Nobuhiro Suzuki – Giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Tokyo nhấn mạnh.