VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Sửa đổi thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 từ 5K thành 2K

Sửa đổi thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 từ 5K thành 2K

10:43 - 09/09/2022

Ngày 8/9, Bộ Y tế thông báo sửa đổi thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 từ 5K thành 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn để phù hợp với tình hình mới.

Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo Y tế được áp dụng từ tháng 8/2020 và từng được xem là “lá chắn thép” trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Y tế đã cập nhật thông điệp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế thông báo sửa đổi thông điệp 5K thành 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn.

Về khẩu trang, Bộ Y tế khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Tuy nhiên, bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 và các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4. Và áp dụng cụ thể với một số địa điểm và đối tượng theo hướng dẫn mới về quy định đeo khẩu trang vừa ban hành ngày 7/9, bao gồm: Tại cơ sở y tế; nơi cách ly y tế, nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế; khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng;  tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; tại nơi có không gian kín, thông khí kém; tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người; tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.

Về khử khuẩn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.

Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được triển khai linh hoạt

Cùng với thông điệp 2K, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp về thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc Covid-19.

Trước đó, trong Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế, hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là tình trạng đại dịch trên toàn cầu. Tại Việt Nam vẫn ghi nhận số mắc, tử vong và đang có xu hướng gia tăng trở lại. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được triển khai linh hoạt, để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn.

Về tình hình dịch Covid-19, ngày 7/9, cả nước có 3.878 ca Covid-19, gần 15.000 ca khỏi và 2 trường hợp tử vong. Đây cũng là ngày có số ca mắc mới Covid-19 cao nhất trong hơn 4 tháng qua và cũng là ngày thứ 6 liên tiếp đã ghi nhận các trường hợp tử vong tại một số địa phương. Trong khi trước đó một thời gian dài nước ta không ghi nhận bệnh nhân nào tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.428.632 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.156 ca nhiễm).

Tổng số người mắc Covid-19 đã khỏi ở nước ta là 10.252.898 ca. Hiện đang điều trị, giám sát hơn 1,132 triệu trường hợp, trong đó có 150 trường hợp nặng đang điều trị gồm: thở ô xy qua mặt nạ (135); Thở ô xy dòng cao HFNC (6); Thở không xâm lấn (1); Thở xâm lấn (8). Qua thống kê cho thấy số bệnh nhân nặng đang tăng nhanh tại các cơ sở điều trị.