VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Đồng yên mất giá tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi của Nhật Bản

Đồng yên mất giá tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi của Nhật Bản

16:18 - 15/09/2022

Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại kỷ lục trong tháng 8, kéo dài quãng thời gian thâm hụt sang tháng thứ 13, do đồng yên suy yếu.

Từ một nước kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, Nhật Bản đang dần hướng tới mục tiêu song hành kiểm soát dịch bệnh linh hoạt và khôi phục kinh tế. Với việc dỡ bỏ nhiều biện pháp phòng dịch trong nước, hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp Nhật Bản đã có nhiều cải thiện, GDP trong quý II đã tăng 3,5%. Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, từ sau tháng 9, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có thể hoạt động mà không cần chương trình trợ cấp của chính phủ, đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, triển vọng khôi phục kinh tế của Nhật Bản vẫn chưa chắc chắn do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trong nước, trở ngại từ việc thiếu hụt nguồn cung cũng như đồng Yen mất giá khiến thâm hụt thương mai tăng cao.

Nhật Bản đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản đã tăng lên ngưỡng 2.820 tỷ yên (tương đương 19,7 tỷ USD) trong tháng 8/2022. Con số này lớn hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia, đồng thời kéo dài quãng thời gian thâm hụt lên 13 tháng, dài nhất kể từ năm 2015.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của đất nước mặt trời mọc đã tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu tới từ các mặt hàng như dầu mỏ, than đá và khí thiên nhiên hóa lỏng. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với nhập khẩu (22,1%) với thế mạnh là lĩnh vực sản xuất ôtô.

Thâm hụt thương mại kỷ lục phần nào phản ánh tác động tiêu cực từ sự mất giá của đồng yên tới quá trình phục hồi của nền kinh tế số ba thế giới. Đồng yên suy yếu sẽ khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Và khi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao có thể kéo giảm tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản trong năm nay phụ thuộc lớn vào nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Trước tình trạng đó, Chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với lạm phát. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng thu nhập thấp hơn lạm phát và chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng cao vẫn khiến cho sức mua của người dân Nhật Bản bị suy giảm nhiều.

Trong báo cáo thương mại mới nhất, tỷ giá trung bình JPY/USD ở ngưỡng 135,08, giảm 22,9% so với một năm trước đó. Việc đồng yên liên tục giảm giá so với đồng USD đến từ khác biệt trong chính sách lãi suất giữa hai đất nước Nhật Bản và Mỹ. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất thì Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ lãi suất ở ngưỡng thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Trong cuộc họp vào cuối tháng 9 này, nhiều dự đoán cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để hỗ trợ khôi phục kinh tế. Tuy nhiên các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực khi đồng Yen giảm giá sẽ được đưa ra, nhằm giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.