VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp sản xuất hụt hơi về cuối năm

Doanh nghiệp sản xuất hụt hơi về cuối năm

14:13 - 20/09/2022

Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, càng về cuối năm, các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.

Sức ép từ nhiều phía

Thông thường, cuối năm là dịp để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, năm nay tình thế lại đi ngược lại. Giá nguyên – nhiên liệu neo cao, đặc biệt là giá dầu cao nhất trong lịch sử; Giá nhân công liên tục biến động và thiếu hụt; Sản phẩm, hàng hóa đình trệ vì chưa tìm được thị trường tiêu thụ do đứt gãy chuỗi cung ứng vì chiến tranh, dịch bệnh; Thị trường tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu đều khá ảm đạm… Tất cả các yếu tố hợp lại tạo nên sức ép lớn, khiến không ít doanh nghiệp lao đao.

Để có thể tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp buộc phải tìm cách xoay sở, không ít trong số đó phải chọn giải pháp cắt giảm lợi nhuận. Riêng các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu thì ngoài câu chuyện cắt giảm chi phí, hạ giá thành, còn phải thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng và tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm của mình.

Nhiều doanh nghiêph đang phải gồng mình vượt qua năm 2022

Ông Nguyễn Đăng Phú – Phó TGĐ công ty Vissan chia sẻ, cầu hiện nay thấp, sản xuất và cung lớn. Chính như vậy, ngoài chuyện rà soát các chi phí để giảm tối thiểu trong thời điểm biến động giá này thì công ty cũng phải cân nhắc việc đưa ra các mặt hàng gì, nhu cầu thị trường ra sao để mang tính ổn định lâu dài. Thậm chí, có những lúc, có những mặt hàng doanh nghiệp phải khuyến mại lên đến 25%-30%.

Cũng là một doanh nghiệp đang phải đau đầu cho bài toán đầu vào cũng như đầu ra, ông Trương Chí Thiện – Phó Tổng Giám đốc công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết trong cơ cấu giá thành thực phẩm đã có hơn 50% là giá nguyên vật liệu, 30% là chi phí nhân công, còn xăng dầu chiếm khoảng 10%.

Hiện chi phí đầu vào như chi phí về thức ăn chăn nuôi, chi phí về logistic, rồi chi phí tiền lương của công nhân đều phải tăng. Dù xăng dầu đã giảm, tuy nhiên giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn chưa giảm tương ứng, bên cạnh đó là sức mua thị trường không tốt cộng với sức ép từ chương trình bình ổn giá thị trường của nhiều địa phương đã tạo nên sức ép rất cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải gồng mình chịu lỗ “chờ thời”, xem như đó là chi phí để kích cầu cho thị trường.

Thêm vào đó, trong bối cảnh để không lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các ngân hàng đang thực hiện chủ trương siết chặt thị trường tiền tệ, hạn chế cho vay để tránh rủi ro. Doanh nghiệp vì thế đã gồng gánh nhiều áp lực giờ lại chồng chất những mối lo mới, khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm.

Cần “xắn tay” hỗ trợ doanh nghiệp

Kết thúc gần 3 quý của năm với nhiều thăng trầm, nhiều doanh nghiệp và giới phân tích đã không còn kỳ vọng xa vời khi chỉ còn ít thời gian nữa là khép lại năm 2022. Theo các chuyên gia, đây là lúc các cơ quan quản lý phải “xắn tay” hỗ trợ doanh nghiệp nhiều nhất.

TS. Trần Dục Thức – Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng trước mắt là việc khẩn trương hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ điều kiện được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% nhanh nhất. Vấn đề bất ổn thị trường xăng dầu, giá cả leo thang cũng chính là nguyên nhân bài toán chi phí tăng vọt mà doanh nghiệp đang rất đau đầu. Việc điều tiết, bình ổn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất lúc này vì thế rất cần thiết.

Trong khi nhiều thị trường, nhất là thị trường Mỹ, EU và các thị trường truyền thống như Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á có dấu hiệu chững lại, PGS.TS Trần Đình Thiên – Chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay việc mở rộng cánh cửa xúc tiến thương mại cũng là việc làm cấp thiết hiện nay. Các cơ quan, đại diện tham tán thương mại tại các nước chính là những người mở lối giúp cho hàng hóa Việt đi vào các thị trường khó tính này.

Bản thân các doanh nghiệp cũng phải nhận diện rõ trong “nguy” có “cơ”, tái cấu trúc lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạch toán lỗ lãi đầy đủ để bảo đảm nguồn vốn quay vòng, duy trì sản xuất. Đồng thời, tiếp cận dần với sản xuất các sản phẩm xanh – sạch để đi vào các thị trường tiềm năng kể trên. Trong đó, đặc biệt là tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu khi nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới hiện đang đổ bộ vào Việt Nam với tần suất cao.

Về nguồn vốn, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc nới room tín dụng sẽ bổ sung thêm “oxy” cho nền kinh tế nhưng là không đủ. Doanh nghiệp phải tìm cách huy động tiền ở các thị trường vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Về lâu dài, chúng ta vẫn cần sớm sửa Nghị định 153, quy định rõ hơn về điều kiện phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào kênh ngân hàng, mà có thể huy động vốn thông qua trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh.

Trong khi đó, Ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị Việt Nam cần phát triển hệ thống đánh giá xếp hạng tín nhiệm quy mô hơn. Khi có xếp hạng tín nhiệm, những doanh nghiệp mới cũng có thể thu hút nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.

“Hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực. Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị này. Việc xếp hạng cần đảm bảo hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến tác động của bên nào”, ông Don Lambert nói.