VNReport»Kinh tế»Xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng đột biến

Xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng đột biến

13:41 - 26/09/2022

8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng 45,5% về lượng và tăng 44,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2022, tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu được 219.260 tấn cao su, trị giá 332,36 triệu USD, tăng 11,6% về lượng và tăng 4,2% về trị giá so với tháng 7/2022, và tăng 15,9% về lượng và tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, riêng tại thị trường Ấn Độ, Việt Nam xuất khẩu được 88,72 nghìn tấn cao su, trị giá đạt 157,11 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 44,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.771 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, chủng loại cao su SVR10 được xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều nhất, chiếm 34,7% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR3L chiếm 28,9% và thứ ba là RSS3 chiếm 11,7% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ.

Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm 2022 của một số chủng loại cao su sang Ấn Độ tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: SVR20 tăng 4%; SVR10 tăng 3,8%; Latex tăng 4,4%… Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su sang Ấn Độ vẫn giảm như SVR3L giảm 2,9%; SVR CV60 giảm 0,6%; SVR CV50 giảm 1,9%…

Xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng trưởng tốt cả về số lượng và giá trị

Còn theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 7 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ nhập khẩu 701,55 nghìn tấn cao su, trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong các thị trường nhập khẩu cao su, Ấn Độ nhập từ các thị trường Việt Nam, Malaisia và Bờ biển Ngà đã tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Ấn Độ với 74,07 nghìn tấn, trị giá 146,95 triệu USD, tăng gần 53% về lượng và tăng 58,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,6% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2022, cao hơn so với mức 7,1% của cùng kỳ năm 2021.

Không chỉ tại Ấn Độ, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang một số thị trường chủ chốt khác như Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Indonesia… cũng tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 8/2021. Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại, sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu ngành cao su Việt Nam trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, gia tăng sự nhận biết của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng cuối cùng về các sản phẩm mang nhãn hiệu “Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber”.

Ông Vũ Bá Phú cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cao su cần chủ động thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh của thế giới để tránh bị động trong thời gian tới.

Hiện thị trường cao su đang chịu tác động tiêu cực từ tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container. Ngoài ra, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng thêm đó là việc đồng USD liên tục tăng mạnh đang khiến giá cao su có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, chênh lệch cung – cầu có thể trở thành trợ lực đáng kể cho cao su. Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), thế giới đang thiếu hụt khoảng 93.000 tấn cao su tự nhiên. Tổ chức này dự báo triển vọng ngành cao su toàn cầu trong nửa cuối năm vẫn tương đối khả quan.