VNReport»Kinh tế»Việt Nam được dự báo dẫn đầu tăng trưởng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

Việt Nam được dự báo dẫn đầu tăng trưởng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

10:42 - 28/09/2022

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,2% năm nay và 6,7% trong năm 2023, dẫn đầu các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương.

Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực Châu Á ­– Thái Bình Dương nói chung vì sự chậm lại của Trung Quốc, nhưng ước tính kinh tế Việt Nam mở rộng với tốc độ cao hơn.

Trong dự báo kinh tế mới nhất được công bố hôm thứ Ba, ngân hàng này dự đoán Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng năm nay là 7,2%, từ mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Ước tính cho năm 2023 là 6,7%.

Theo WB, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, mặc dù chưa phục hồi hoàn toàn, nhờ sự trở lại của nhu cầu trong nước cùng với hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, một động lực khác đến từ sự hồi phục dần của du lịch quốc tế.

Lạm phát dự kiến tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của giá cả hàng hóa trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024. Chi tiêu công dự kiến tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022 và thâm hụt tài khóa trong năm nay là 2,8% GDP, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sau một thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ giảm nghèo dự kiến tăng tốc, với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,7% vào năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022 dựa trên chuẩn nghèo của WB.

Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hoà giữa việc duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố đà phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu với sức ép lạm phát tăng cao và các rủi ro khác.

Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao của Việt Nam phụ thuộc vào tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa trên tăng năng suất đi đôi với sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn sản xuất, vốn tự nhiên, con người. Quá trình này đòi hỏi năng lực thể chế phải được tăng cường để thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và phục hồi cao hơn.

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống còn 2,8% từ mức 5% vào tháng 4. Điều đó khiến dự báo tăng trưởng toàn khu vực giảm từ 5% vào tháng 4 xuống còn 3,2%. Báo cáo bao gồm Đông Á, Đông Nam Á và các đảo ở Thái Bình Dương, nhưng không bao gồm Nhật Bản và hai miền Triều Tiên.

Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, dự báo cũng được nâng lên cho Malaysia, Philippines và Thái Lan. Triển vọng của Indonesia không đổi ở mức 5,1%.

Aaditya Mattoo – nhà kinh tế trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương của WB – cho biết: “Nguồn tăng trưởng lớn trong khu vực hiện nay là sự giải phóng khỏi những hạn chế mà các nước duy trì, thông qua các quy định hoặc những hạn chế tự phát mà người dân thực hiện đối với tiêu dùng trong thời kỳ Covid”.

Dự báo tăng trưởng của Lào và Mông Cổ bị hạ xuống do lạm phát, lãi suất tăng và đồng tiền yếu hơn làm giảm sức mua và khả năng trả nợ của các nước này.