VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Hàng loạt nhà bán lẻ quốc tế mở rộng ở Việt Nam

Hàng loạt nhà bán lẻ quốc tế mở rộng ở Việt Nam

10:56 - 04/10/2022

Nền kinh tế tăng trưởng nhanh thu hút các doanh nghiệp bán lẻ từ khắp nơi.

Central Retail có kế hoạch tăng gấp đôi sự hiện diện của mình tại Việt Nam, tham gia vào danh sách dài các công ty bán lẻ đa quốc gia đang mở rộng ở một thị trường đầy hứa hẹn với tiềm năng tăng trưởng lớn. Đơn vị bán lẻ chính của tập đoàn Central Group (Thái Lan) gần đây tiết lộ kế hoạch chi 30 tỷ baht (790 triệu USD) để mở rộng mạng lưới của mình lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026 từ khoảng 340 hiện tại.

“Chúng tôi luôn đặt mình vào trung tâm cuộc sống của người tiêu dùng”, Olivier Langlet – CEO của Central Retail Việt Nam ­– nói với Nikkei, đồng thời cho biết công ty đặt mục tiêu doanh thu 100 tỷ baht vào năm 2026.

Kể từ khi Central Retail lần đầu vào Việt Nam năm 2012, công việc kinh doanh phát triển ổn định, mang về doanh thu 38,6 tỷ baht trong năm ngoái, chiếm khoảng 1/5 tổng doanh thu. Việt Nam là nơi công ty kiếm tiền nhiều nhất bên ngoài Thái Lan.

Đến năm 2026, các cửa hàng của Central Retail tại Việt Nam sẽ cung cấp nhiều hình thức bán cả thực phẩm và phi thực phẩm. Ông Langlet cho biết công ty có kế hoạch phủ sóng 55 trong số 63 tỉnh thành của đất nước trong 5 năm tới.

Nhà bán lẻ này phát huy sức mạnh của mình bằng cách giới thiệu 10 thương hiệu tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả các chuỗi siêu thị Go! và Tops. Tập đoàn hy vọng có lực cộng hưởng thúc đẩy doanh thu ở những trung tâm mua sắm có nhiều thương hiệu của Central Retail thuê mặt bằng. Ông Langlet cho biết, trong 5 năm tới, Central Retail dự kiến​​ tăng gấp đôi số đại siêu thị tại Việt Nam lên hơn 70. Các điểm bán này có diện tích từ 4.000 đến 7.000 m2.

Nhưng Central Retail không phải là công ty duy nhất để mắt đến Việt Nam.

Chuỗi đại siêu thị Go! là một trong những thương hiệu mà Central Retail đang vận hành ở Việt Nam.

Chuỗi đại siêu thị Go! là một trong những thương hiệu mà Central Retail đang vận hành ở Việt Nam.

Aeon của Nhật Bản có kế hoạch đạt khoảng 100 siêu thị ở Việt Nam vào năm 2025. Thế mạnh của công ty là ở các trung tâm mua sắm và nhiều siêu thị của tập đoàn này tại Việt Nam có quy mô khoảng 300 m2. Các địa điểm mới có diện tích từ 500 m2 trở lên, và Aeon sẽ tạo sự khác biệt với dòng sản phẩm tươi sống và sản xuất sẵn được hỗ trợ bởi bí quyết của Nhật Bản.

Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte của Hàn Quốc – vốn có thế mạnh trong vận hành các trung tâm mua sắm đô thị lớn – có kế hoạch mở thêm Lotte Mart tại Việt Nam. Tập đoàn này từng coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm thứ ba sau Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng đã rút khỏi thị trường đó vì rắc rối địa chính trị và nâng Việt Nam lên vị trí thứ 3.

Một yếu tố thúc đẩy sự xâm nhập hàng loạt của các đơn vị bán lẻ vào Việt Nam là tiềm năng kinh tế cao. Trong năm 2020, khi đại dịch thu hẹp các nền kinh tế của Thái Lan và Indonesia, Việt Nam công bố mức tăng trưởng GDP 2,9%, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất của Đông Nam Á mở rộng trong năm đó. Việt Nam tiếp tục tạo ra những con số kinh tế ấn tượng sau đó, công bố mới đây rằng GDP tăng 13,67% trong quý III/2022 so với một năm trước đó, mở rộng quy mô tầng lớp trung lưu.

Các nhà bán lẻ đa quốc gia cũng hy vọng hưởng lợi từ việc hiện đại hóa trải nghiệm mua sắm của người Việt. Trong khi các cửa hàng nhỏ lẻ và những hình thức truyền thống khác chiếm thị phần lớn thị trường bán lẻ hiện nay, đại dịch khiến nhiều người tiêu dùng hơn chuyển sang siêu thị – nơi mang lại sự an tâm và nguồn cung sản phẩm ổn định.

Các nhà bán lẻ quốc tế dự đoán sự thay đổi trong quan điểm của người tiêu dùng, với nhiều người hơn lựa chọn sự thuận tiện khi mua tất cả nhu yếu phẩm hàng ngày tại một nơi. Nếu ngành bán lẻ tiếp tục hiện đại hóa ở Việt Nam, “nó sẽ trở thành một thị trường có nhiều cơ hội kinh doanh hơn các nước khác”, một giám đốc điều hành tại một tập đoàn bán lẻ quốc tế cho biết.

Aeon có kế hoạch đạt khoảng 100 siêu thị ở Việt Nam vào năm 2025.

Aeon có kế hoạch đạt khoảng 100 siêu thị ở Việt Nam vào năm 2025.

Một điểm khác cũng hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ toàn cầu là kế hoạch của Việt Nam vào năm 2024 bãi bỏ việc kiểm tra nhu cầu kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách lập cửa hàng bán lẻ. Theo thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế – nhằm bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ trong nước – nhà bán lẻ nước ngoài muốn mở cửa hàng có diện tích từ 500 m2 trở lên cần có giấy phép của cơ quan chức năng cho từng địa điểm. Phần còn lại của Đông Nam Á cũng đang xem xét bãi bỏ quy định tương tự.

Một nhà phân tích bán lẻ cho biết: “Nếu nhiều người sử dụng cửa hàng và siêu thị lớn, phong cách tiêu dùng sẽ tiếp tục thay đổi và tạo ra một làn gió mới cho các nhà bán lẻ lớn”. Ông Langlet thuộc Central Retail Việt Nam cho biết “tỷ lệ thâm nhập thương mại” của các cửa hàng hiện đại, phi truyền thống ở Việt Nam chỉ là 11%, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn.

Các nhà bán lẻ nội địa Việt Nam đang đối phó với làn sóng đối thủ nước ngoài bằng sự quen thuộc hơn với thị trường nội địa. Tập đoàn Masan – nhà bán lẻ lớn nhất cả nước – đã mở 100 địa điểm mới mỗi tháng kể từ mùa xuân. Masan đang vận hành khoảng 3.000 siêu thị và cửa hàng tiện lợi, đặt mục tiêu có 10.000 địa điểm quản lý trực tiếp vào năm 2025. Tập đoàn hy vọng sẽ thực hiện một chiến lược tinh gọn hơn cho các cửa hàng mới.

Ông Michael Hung Nguyen – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan – cho biết: “Rất nhiều đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, chúng tôi thấy họ tập trung nhiều hơn vào các hình thức lớn hơn như siêu thị và đại siêu thị, mà chúng tôi nghĩ rằng … không thể mở 1.000 địa điểm mỗi năm”. Ông cho biết công ty đã tổng hợp một lượng dữ liệu lớn để giúp cho việc mở rộng.

Trường Hải Auto – nhà sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam – bắt đầu kinh doanh bán lẻ, với kế hoạch vận hành 20 siêu thị vào năm 2026. Các địa điểm này cũng sẽ có đại lý ô tô và cửa hàng sửa chữa để thu hút khách hàng.

Thị trường bán lẻ của Việt Nam sắp trở nên đông đúc. Việc kết nối với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng sẽ là yếu tố tạo nên bước đột phá trong môi trường cạnh tranh này.