VNReport»Kinh tế»Nông nghiệp tăng tốc để về đích sớm trong năm 2022

Nông nghiệp tăng tốc để về đích sớm trong năm 2022

14:43 - 04/10/2022

Với những kết quả khả quan trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đang nỗ lực tăng tốc để về đích sớm trong năm 2022.

Mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD

Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2022 tiếp tục đạt được kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết sản lượng lúa đến nay đạt 19,97 triệu tấn, giảm 661,3 nghìn tấn (-3,2%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với sản lượng trên vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu từ 6,3-6,5 triệu tấn gạo.

Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục đạt được kết quả khả quan

Thời gian qua, chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Ngoại trừ đàn trâu giảm, đàn lợn, đàn bò và đàn gia cầm tiếp tục phát triển tốt, sản lượng thịt hơi các loại đều tăng. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục có sự tăng trưởng khá nhờ những tín hiệu xuất khẩu tốt. Sản lượng tôm, cá tra đều tăng trưởng trên 10%.

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 3/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay kết quả của ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Hướng đến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD trong năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn, định hướng các địa phương nhất là các vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, ở thị trường trong nước tập trung phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm; bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Thách thức những tháng cuối năm

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ nay đến hết năm 2022 còn 3 tháng, xuất khẩu nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài đã từng bước được giải quyết nhưng chưa triệt để. Trong ngắn hạn, giá các mặt hàng phân bón phụ thuộc vào nhập khẩu có thể tiếp tục tăng. Giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng vẫn còn khá thấp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người sản xuất.

Dự báo, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản.

Trước tình hình trên, để đảm bảo nguồn cung và giá mức hợp lý, Bộ NN&PTNT đề nghị doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để phục vụ nhu cầu trong nước; khuyến khích sản xuất phân bón hữu cơ để thay thế phân bón vô cơ… Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu; tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường. Thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thực phẩm. Cùng với đó là các giải pháp chủ động phòng chống, khắc phục, điều chỉnh sản xuất phù hợp, hạn chế gây biến động giá cả nông sản.

Với mục tiêu xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD, ngành nông nghiệp đang hết sức phấn đấu, thông qua các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu đề ra.