VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Tài sản 7 tỷ phú Việt “bốc hơi” gần 5,5 tỷ USD sau nửa năm

Tài sản 7 tỷ phú Việt “bốc hơi” gần 5,5 tỷ USD sau nửa năm

16:40 - 04/10/2022

Chỉ có 1 tỷ phú trong top 7 người giàu nhất Việt Nam ghi nhận tài sản gia tăng trong nửa năm qua.

Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2022 do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố hồi đầu tháng 4, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện 7 đại diện trong số 2.668 tỷ phú giàu nhất thế giới, bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Tại thời điểm đó, 7 tỷ phú Việt Nam nắm giữ khoảng 21,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trước tình trạng thị trường chứng khoán trong nước liên tục suy yếu, tài sản của các tỷ phú Việt hầu hết đều giảm sâu, có người bốc hơi tới 50%. Tính đến phiên giao dịch ngày 3/10, quy mô tài sản của 7 tỷ phú thu hẹp còn 15,8 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại 25,4%.

7 tỷ phú Việt Nam góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2022

Đáng chú ý, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chứng kiến mức sụt giảm giá trị tài sản ròng lớn nhất với khoảng 2 tỷ USD. Hiện chủ tịch Vingroup nắm giữ 4,2 tỷ USD, thậm chí thấp hơn giá trị tài sản hồi năm 2018 (khoảng 4,3 tỷ USD). Thứ hạng của tỷ phú này cũng lùi từ 411 xuống 631, giảm 220 bậc.

Dù có giá trị sụt giảm thấp hơn, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long lại có tỷ lệ thiệt hại lớn nhất, khoảng 50%. Trong vòng gần 7 tháng, tài sản của lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát giảm từ 3,2 tỷ USD xuống 1,6 tỷ USD.

Trên thực tế, kể từ thời điểm lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes năm 2018, năm 2022 là giai đoạn giá trị tài sản của ông Long lập đỉnh. Song, việc tài sản ròng bị điều chỉnh liên tục khiến thứ hạng của vị tỷ phú 61 tuổi rơi 709 bậc.

Nhóm có quy mô tài sản giảm mạnh tiếp theo là ông Nguyễn Đăng Quang, giảm 0,5 tỷ USD xuống còn 1,4 tỷ USD; ông Hồ Hùng Anh, giảm 0,6 tỷ USD xuống còn 1,7 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, giảm 0,7 tỷ USD xuống 2,4 tỷ USD.

Trong khi đó, tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình chỉ giảm 0,1 tỷ USD suốt 7 tháng qua, tương đương mức thiệt hại 6,25%. Chủ tịch Thaco và gia đình vẫn nắm khoảng 1,5 tỷ USD, ngang mức hồi năm 2020.

Riêng Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn chứng kiến tài sản gia tăng 0,1 tỷ USD lên 3 tỷ USD. Giá cổ phiếu Novaland Group cũng tăng nhẹ từ 77.200 đồng/cổ phiếu lên 82.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 6%.

Nếu xét theo các quốc gia Đông Nam Á xuất hiện trong danh sách tỷ phú Forbes năm nay, Việt Nam sở hữu ít tỷ phú USD nhất với chỉ 7 người.  Trong khi đó, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có nhiều tỷ phú xuất hiện trong danh sách năm nay với 30 người. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Thái Lan (28 người), Singapore (28 người), Philippines (21 người) và Malaysia (16 người).

Về tổng giá trị khối tài sản ròng mà các tỷ phú đang nắm giữ, Indonesia tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, đứng ở vị trí tiếp theo lần lượt là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Năm 2022, thế giới có 2.668 tỷ phú, ít hơn 87 người so với năm ngoái. Các tỷ phú nắm giữ tổng tài sản trị giá 12.700 tỷ USD, giảm 400 tỷ USD so với năm ngoái. Bên cạnh đó, thế giới có hơn 1.000 tỷ phú giàu hơn năm ngoái và xuất hiện thêm 236 tỷ phú mới.

Người giàu nhất thế giới hiện tại vẫn là CEO Tesla Elon Musk, tỷ phú sở hữu khối tài sản ròng trị giá 232,4 tỷ USD. Đứng ở các vị trí tiếp theo trong top 5 lần lượt là Bernard Arnault & Gia đình (144,3 tỷ USD), Jeff Bezos (139,3 tỷ USD), Gautam Adani & Gia đình (132,5 tỷ USD) và Bill Gates (103 tỷ USD).