VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Người giàu ở châu Á đang tăng nhanh

Người giàu ở châu Á đang tăng nhanh

09:28 - 07/10/2022

Số lượng tỷ phú châu Á nhiều gấp 1,7 lần so với châu Âu và đang tiếp tục gia tăng

Danh sách 10 người giàu nhất thế giới từ lâu luôn được thống trị bởi các tỷ phú người Mỹ. Theo một phân tích về tài sản của hơn 2.400 người trong danh sách tỷ phú của Forbes, các tỷ phú ở Bắc Mỹ sở hữu 4.700 tỷ USD, ở châu Á là 3.500 tỷ USD và châu Âu là 2.400 tỷ USD.

Mặc dù nhóm 10 người giàu nhất thế giới hiện nay phần lớn vẫn đến từ Mỹ, song dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy người châu Á đang không ngừng gia tăng khối tài sản và ghi tên trên bản đồ những người giàu nhất hành tinh. Cụ thể, khi tính số lượng tỷ phú, châu Á có 951 người, nhiều hơn tất cả khu vực khác với Bắc Mỹ có 777 và châu Âu là 536 người.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani

Đặc biệt, doanh nhân người Ấn Độ Gautam Adani được coi hiện tượng tỷ phú châu Á khi đã trở thành người châu Á đầu tiên đứng thứ hai trong danh sách tỷ phú toàn cầu. Cụ thể, với khối tài sản ròng 137,4 tỷ USD, “ông trùm” ngành than Gautam Adani đã vượt qua tỷ phú Bernard Arnault lọt top 3 trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index hồi cuối tháng 8/2022. Không lâu sau đó, vào đầu tháng 9, Adani đã nhanh chóng leo lên vị trí thứ hai, chỉ đứng sau Elon Musk – Giám đốc điều hành của Tesla.

Ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch của Adani Group đang tụt xuống vị trí thứ tư khi sở hữu khối tài sản 125 tỷ USD.

Với tốc độ gia tăng nhanh chóng cùng hiện tượng bứt phá của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, nhiều người kỳ vọng tỷ phú châu Á có thể ghi danh trở thành người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, theo ông Soichiro Matsumoto – Giám đốc đầu tư Credit Suisse Wealth Management, giá bất động sản tăng là động lực chính giúp người châu Á tích luỹ tài sản. Trong khi đó, những người xếp hạng cao trong danh sách người giàu chủ yếu là chủ doanh nghiệp có cổ phần lớn trong các công ty toàn cầu, chứ không phải là bất động sản. Bởi vậy nên người châu Á sẽ cần thời gian để bắt kịp họ.

Mặt khác, một số quốc gia đang mạnh tay quản lý người giàu, điển hình là Trung Quốc, khiến nhiều tỷ phú phải giảm bớt tài sản thông qua quyên góp từ thiện hoặc các cách khác. Bên cạnh đó, các quốc gia đang thắt chặt chính sách tiền tệ nên giới tỷ phú châu Á cũng phải đối mặt với một số yếu tố bất lợi như giá cổ phiếu giảm và đồng USD tăng giá.

Số người trong danh sách tỷ phú theo thời gian thực của Forbes đã giảm 245 người trong khoảng 6 tháng qua, với 126 người ở châu Á, cao hơn nhiều mức 27 người của khu vực Bắc Mỹ.

Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng những người giàu có ở các nước mới nổi được hỗ trợ bởi sự gia tăng nhu cầu trong nước và phát triển cơ sở hạ tầng. Credit Suisse dự báo số lượng triệu phú (với khối tài sản từ 1 triệu USD trở lên) sẽ tăng gần gấp đôi ở Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2026 so với năm 2021.

Có thể thấy, mặc dù trong tương lai gần, người châu Á vẫn chưa có đủ khả năng thay thế vị trí của những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng tỷ lệ người giàu có ở châu Á vẫn sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng.