VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Aeon tăng tốc độ mở trung tâm thương mại và cửa hàng ở Việt Nam

Aeon tăng tốc độ mở trung tâm thương mại và cửa hàng ở Việt Nam

11:56 - 10/10/2022

Bánh mì mới nướng được cho là một phần trong công thức thành công của nhà bán lẻ Nhật Bản.

Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản đang tăng tốc mở các trung tâm thương mại và cửa hàng khác tại Việt Nam, nhằm thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng lớn và đón đầu việc dỡ bỏ hạn chế đối với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài – dự kiến trong 2 năm tới.

Aeon có kế hoạch tăng gấp 3 lần số trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025. Với gần 40 năm kinh nghiệm ở Đông Nam Á, nhà bán lẻ sẽ tận dụng kiến ​​thức mà họ tích lũy được ở Malaysia – thị trường Đông Nam Á đầu tiên của mình – và các thị trường khác vào chiến dịch sắp tới.

Bánh mì tạo nên sự khác biệt

Cuối tháng 8 tại Aeon Mall Hà Đông, Hà Nội, một gian bếp khổng lồ đang hoạt động bình thường dù mới chỉ 6 giờ sáng. Hàng chục thợ làm bánh bận rộn lấy bành mì ra khỏi lò nướng và xếp chúng vào các thùng chứa đặc biệt. Cơ sở này vận chuyển 60 loại bánh mì khác nhau và những loại bánh nướng khác đến 5 siêu thị MaxValu gần đó, nướng từ 5.000 đến 6.000 mặt hàng vào một ngày thông thường trong tuần. Aeon giao bánh mì đến các cửa hàng 3 lần 1 ngày bằng mạng lưới logistics của mình.

Khi Aeon mở rộng cửa hàng tại Việt Nam, họ cung cấp bánh mì mới nướng và món ăn chế biến sẵn, sử dụng các trung tâm mua sắm của mình làm bếp trung tâm. Hiểu biết của họ trong việc giao hàng cho những siêu thị xung quanh đem đến một lợi thế cạnh tranh. Ông Yasuyuki Furusawa – người đứng đầu Aeon Việt Nam – cho biết: “Chúng tôi có chuyên môn về sản xuất hàng loạt và giao hàng hiệu quả ở Nhật Bản và Malaysia, đây là những lĩnh vực mà chúng tôi không bao giờ bị các công ty khác vượt mặt”.

Aeon vận hành một cơ sở nướng bánh lớn ở một trung tâm thương mại của mình tại Hà Nội.

Aeon vận hành một cơ sở nướng bánh lớn ở một trung tâm thương mại của mình tại Hà Nội.

Aeon hiện có khoảng 200 cửa hàng tại Việt Nam, bao gồm 6 trung tâm mua sắm và một số siêu thị. Các cửa hàng tập trung ở TP HCM và Hà Nội, nhưng một trung tâm mua sắm sẽ mở ở trung tâm thành phố Huế vào năm 2024. Công ty có kế hoạch nâng số siêu thị tại Hà Nội lên 100 vào năm 2025, gấp khoảng 10 lần con số hiện tại. Số lượng trung tâm thương mại cũng sẽ tăng gần gấp 3 lần lên 16 trên khắp cả nước.

“Chúng tôi cần đẩy nhanh việc mở cửa hàng, đó là lý do tại sao chúng tôi phải đưa ra các sáng kiến ​​mới ngay bây giờ”, ông Furusawa nói. Tăng cường các hoạt động kinh doanh thực phẩm là một phần của nỗ lực đó. Nhiều siêu thị trong nước có quy mô nhỏ và không có đủ không gian bếp. “Một khu vực bánh mì và thực phẩm chế biến sẵn sẽ tạo nên sự khác biệt cho chúng tôi”, ông cho biết.

Aeon the Nine, một địa điểm ở Hà Nội khai trương vào tháng 5, thể hiện rõ ý tưởng này. Nó có diện tích bán lẻ 1.200 m2, so với khoảng 300 m2 thông thường của các siêu thị tại Việt Nam. Cửa hàng có một nhà bếp và một khu ẩm thực, với các điểm thu hút như quầy salad và bánh mì mới nướng.

Tiềm năng và cạnh tranh

Việc chuyển hướng sang Đông Nam Á là một trong những trọng tâm trong kế hoạch kinh doanh trung hạn của công ty. Một lãnh đạo cấp cao của Aeon cho biết Việt Nam là “thị trường quan trọng nhất trong chiến lược nước ngoài của chúng tôi”. Đất nước có dân số 100 triệu người với độ tuổi trung bình là 33, kinh tế dự kiến ​​ tăng trưởng hơn 7% trong năm nay.

Nhưng sự hấp dẫn còn đến từ một lý do khác. Là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam có kế hoạch bãi bỏ các hạn chế đầu tư nước ngoài sớm nhất là vào năm 2024. Một trong những hạn chế sắp được bãi bỏ là yêu cầu các nhà bán lẻ nước ngoài phải xin phép khi mở cửa hàng có diện tích 500 m2 trở lên.

Siêu thị Aeon the Nine khai trương vào tháng 5 có gian bếp và khu ẩm thực lớn.

Siêu thị Aeon the Nine khai trương vào tháng 5 có gian bếp và khu ẩm thực lớn.

Mặc dù cơ hội là rất lớn, nhưng sự cạnh tranh đang trở nên gay gắt hơn.

Theo bảng xếp hạng doanh số bán lẻ ở Việt Nam do công ty tư vấn Kearney của Mỹ tổng hợp, đứng đầu là Thế Giới Di Động – chuyên cung cấp thiết bị điện tử tiêu dùng cũng như các cửa hàng điện thoại di động và siêu thị – với doanh thu 4,8 tỷ USD. Họ có 5.500 cửa hàng ở Việt Nam và các nước khác. Ở trong nước, thị phần của họ khoảng 5%, lớn gấp nhiều lần so với những đối thủ.

Ở vị trí thứ 2 là Saigon Co.op, với doanh thu 1,6 tỷ USD và thị phần khoảng 1,5%. Central Retail, nhà bán lẻ lớn của Thái Lan, đứng thứ 3 với thị phần dưới 1%. Aeon không tiết lộ số liệu bán hàng tại Việt Nam của mình, nhưng ước tính khoảng 700 triệu USD, xếp sau Tập đoàn Masan – giữ vị trí thứ 5 với 868 triệu USD.

Các công ty khác cũng đang mở rộng. Central Retail có kế hoạch đầu tư 30 tỷ baht (797 triệu USD) vào Việt Nam. Tập đoàn Masan đã mở hơn 100 cửa hàng tiện lợi và các điểm bán hàng khác mỗi tháng kể từ tháng 4. Saigon Co.op cũng có kế hoạch mở 100 cửa hàng nhỏ vào cuối năm.

Trong môi trường này, làm ăn ở Việt Nam có thể có khó khăn. Nhà bán lẻ Đức Metro AG đã rút khỏi thị trường vào năm 2014 và Auchan của Pháp rút vào năm 2019.

Các thị trường Đông Nam Á

Nhưng đây không phải là bước tiến đầu tiên của Aeon vào khu vực. Trước khi mở trung tâm thương mại tại Việt Nam năm 2014, Aeon đã mở cửa hàng đầu tiên ở Malaysia vào năm 1985. Năm 2012, tập đoàn này mua lại một công ty con tại Malaysia của Carrefour tại Pháp và chuyển đổi các cửa hàng thành thương hiệu giảm giá Aeon Big. Hiện, họ đang vận hành 21 cửa hàng đó ở Malaysia.

Chìa khóa để mở rộng tại đây là thực phẩm làm sẵn và bánh mì. Aeon hiện có 28 trung tâm mua sắm ở Malaysia. Theo Kearney, Aeon là nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Malaysia với doanh thu 1,2 tỷ USD và thị phần 2,3%, chỉ sau công ty địa phương 99 Speedmart. “Cchúng tôi hiện có lợi thế cạnh tranh nhất định ở Malaysia”, một giám đốc điều hành Aeon cho biết.

Aeon vào Indonesia năm 2012, khi thành lập một công ty con trong nước để phát triển trung tâm thương mại. Tuy nhiên, những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài gây cản trở. Aeon mở một cửa hàng tiện lợi Ministop có khu vực ăn uống, nhưng buộc phải rút lui vào năm 2016 do các quy định đầu tư nước ngoài khắt khe hơn.

Aeon Mall đầu tiên khai trương vào năm 2015 và chính phủ Indonesia quy định 30% diện tích sàn bán hàng phải dành cho hàng hóa sản xuất trong nước cũng như yêu cầu cấp phép nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm nước ngoài. Quy định được sửa đổi khoảng 6 tháng một lần, khiến các nhà khai thác nước ngoài khó theo kịp.

Hơn nữa, với thị trường xung quanh Jakarta đã bão hòa khi có các doanh nghiệp nội địa và Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, Aeon cần đầu tư nhiều hơn để cạnh tranh. Mạng lưới của họ chỉ bao gồm 4 trung tâm thương mại tính đến tháng trước.

“Chúng tôi bước vào một thị trường đang ở giai đoạn tăng trưởng và khai thác nó”, một giám đốc điều hành hàng đầu của Aeon cho biết. Malaysia, Indonesia và Việt Nam đều là những thị trường nằm trong diện này. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhất định đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhưng các hạn chế đối với nhập khẩu lỏng hơn so với Indonesia, giúp các nhà bán lẻ nước ngoài mở rộng hoạt động dễ dàng hơn.