VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Việt Nam và Campuchia phục hồi hậu Covid-19 nhanh nhất Đông Nam Á

Việt Nam và Campuchia phục hồi hậu Covid-19 nhanh nhất Đông Nam Á

14:52 - 11/10/2022

Trong bảng Chỉ số phục hồi hậu Covid-19 mới nhất của Nikkei, Campuchia và Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch.

Chỉ số của Nikkei đánh giá 121 quốc gia và khu vực về việc đối phó với dịch Covid-19, triển khai vaccine và các quy định về duy trì khoảng cách trong cộng đồng. Xếp hạng cao hơn cho thấy sự phục hồi mạnh hơn, nổi bật nhất phải kể đến tỷ lệ lây nhiễm và tử vong thấp, tỷ lệ tiêm tốt cũng như các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ.

Theo đánh giá của Nikkei, trong vòng 15 tháng qua, ngay cả những nước từng trải qua tình trạng lây nhiễm nặng nề cũng đã có thể xoay chuyển được tình thế nhờ chiến dịch tiêm vaccine mạnh tay và các biện pháp kiểm soát đi lại dần được nới lỏng.

Khi Nikkei bắt đầu tính toán các chỉ số phục hồi hậu Covid-19 vào tháng 7/2021, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 100. Tuy nhiên từ đó đến nay, Việt Nam đã phục hồi vô cùng ấn tượng và đứng trong top 10 nước phục hồi nhanh nhất đến 4 tháng liên tiếp. Một số nước thành viên thuộc Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia, cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với trước đây. Trong khi trước đó, nhóm nước khu vực Đông Nam Á thường đứng ở vị trí cuối bảng.

Các nước khu vực Đông Nam Á đang phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19

Theo nhận xét của Nikkei, trong khoảng thời gian 1 năm đầu của đại dịch Covid-19, Campuchia và Việt Nam từng đạt thành công lớn trong kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên biến chủng Delta xuất hiện vào giữa năm 2021 đã gây ra nhiều tác động nặng nề. Chính vì vậy, chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách mạnh tay, trong đó có phong tỏa.

Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng đã được hai nước thực hiện thành công. Việt Nam đạt tối đa trong thang điểm 30 về chỉ số tiêm chủng còn Campuchia đạt 29 điểm. Chính phủ cả hai ước đồng thời cũng đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại thời kỳ Covid-19 và mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế.

Nhờ việc linh hoạt ứng phó với dịch Covid-19, các nước này đã đạt triển vọng kinh tế sáng sủa hơn. Trong dự báo mới nhất được công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay lên 7,2% từ mức 5,3%; dự báo với Campuchia được điều chỉnh lên 4,8% từ 4,5%. WB đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của Malaysia và Thái Lan lên 6,4% và 3,1%.

Malaysia đứng thứ 38 về chỉ số phục hồi kinh tế còn Thái Lan đứng thứ 70. Trong khi 2 nền kinh tế khác trong Đông Nam Á đi xuống trong xếp hạng mới nhất là Lào đứng thứ 89 từ vị trí 79 trước đó, còn Philippines xuống vị trí 101 từ vị trí 97.

Theo nhận định của Tiến sỹ Aaditya Mattoo – nhà kinh tế trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), các nền kinh tế Đông Nam Á đang phải hứng chịu nhiều cú sốc đồng thời như đại dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, xung đột ở Ukraine và xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu. Điều này gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng, đặc biệt đối với một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, các cơ hội mới cũng đang xuất hiện. Song việc tận dụng những cơ hội đó đòi hỏi phải thay đổi chính sách cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.

Hiện kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến xấu đi trong quý 3 trước tác động của xung đột Nga – Ukraine, diễn biến dịch bệnh Covid-19, đáng chú ý là tình trạng kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với xu hướng suy giảm, lạm phát gia tăng mạnh, tại các nền kinh tế lớn đã xuất hiện diễn biến thu hẹp hoặc chậm lại trên hầu hết các khu vực, hoạt động kinh tế.

Ngày 10/10, Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng JP Morgan Chase – ông Jamie Dimon cảnh báo nền kinh tế Mỹ và toàn cầu có thể rơi vào vào suy thoái từ giữa năm tới. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng liên tục đưa ra cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề.