VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 40 năm

Lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 40 năm

09:20 - 14/10/2022

Giá cả cơ bản – không bao gồm năng lượng và thực phẩm – tăng 6,6% ở Mỹ trong tháng 9 so với một năm trước, cho thấy áp lực lạm phát liên tục trên diện rộng.

Lạm phát toàn phần tháng 9 của Mỹ nóng hơn dự kiến và lạm phát cơ bản cao kỷ lục, gây áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng và làm trầm trọng thêm rắc rối chính trị đối với Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 0,4% trong tháng 9 so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Những mức tăng này đều cao hơn dự báo 0,2% theo tháng và 8,1% theo năm từ các nhà kinh tế do Refinitiv khảo sát. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi họ tìm cách hạ nhiệt đà tăng giá cả bằng một chiến dịch tăng lãi suất mạnh tay.

Đáng lo ngại hơn, giá cả cơ bản – loại bỏ tác động của năng lượng và thực phẩm – tăng 0,6% trong tháng 9 so với tháng trước. Điều này cho thấy áp lực lạm phát tiềm ẩn trong nền kinh tế vẫn rất mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cơ bản tăng 6,6% – tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982.  Trước đó, các nhà kinh tế dự đoán rằng giá cơ bản sẽ tăng 0,5% theo tháng và 6,5% theo năm.

Lạm phát theo CPI của Mỹ từ năm 2010 đến nay. Nguồn: Bộ Lao động Mỹ, Fox Business.

Lạm phát theo CPI của Mỹ từ năm 2010 đến nay. Nguồn: Bộ Lao động Mỹ, Fox Business.

Cổ phiếu của Mỹ lao dốc đầu phiên giao dịch hôm nay nhưng bất ngờ đảo ngược và đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones tăng 2,8%, S&P 500 tăng 2,6% và Chỉ số Tổng hợp Nasdaq tăng 2,2%.

Lạm phát nóng tạo ra áp lực tài chính nghiêm trọng đối với hầu hết các hộ gia đình ở Mỹ, khi họ buộc phải trả nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm và tiền thuê nhà. Mặc dù áp lực từ giá xăng tiếp tục giảm trong tháng trước – thấp hơn 4,9% so với tháng 8 – nhưng những loại giá cả khác vẫn tăng cao.

Chi phí thực phẩm tăng 0,7%, đưa mức tăng 12 tháng lên 13,0%. Người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng như ngũ cốc, thịt gà, sữa và rau tươi. Chi phí nhà ở – chiếm khoảng 40% mức tăng lạm phát cơ bản – tăng 6,6% trong một năm qua, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/1991. Trong đó, chi phí thuê nhà – một mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nhất đến ngân sách của các hộ gia đình – tăng 0,8% so với tháng trước và 6,7% theo năm.

“Các thành phần của chỉ số lạm phát có lẽ còn đáng lo ngại hơn so với con số tổng thể”, theo Seema Shah – nhà chiến lược trưởng toàn cầu tại Principal Asset Management. “Sự gia tăng trong các chỉ số về nhà ở và y tế, những phân khúc cứng nhắc nhất trong rổ tính CPI, xác nhận rằng áp lực giá cực kỳ ngoan cố và sẽ không giảm nếu không có cuộc chiến của Fed”.

Với chi phí thực phẩm và nhà ở tiếp tục tăng cao, các hộ gia đình Mỹ đang phải đối mặt với áp lực tài chính lớn. Thu nhập trung bình theo giờ thực giảm 0,1% trong tháng 9 trên cơ sở điều chỉnh lạm phát. So với năm trước, thu nhập thực giảm 3%, theo một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ.

Lạm phát gia tăng và sức mua của người dân suy giảm trở thành những điểm yếu chính trị lớn đối với Biden trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới, nơi mà Đảng Dân chủ của ông dự kiến mất đa số ít nhất là ở Hạ viện. Các cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ coi lạm phát là vấn đề lớn nhất mà đất nước phải đối mặt – và nhiều hộ gia đình đổ lỗi cho Biden.

Tổng thống đổ lỗi cho giá cao hơn là do các tập đoàn tham lam, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và những gián đoạn khác do đại dịch gây ra trong nền kinh tế, cũng như cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine. Hầu hết các nhà kinh tế hiện đồng thuận rằng mức độ kích cầu vô tiền khoáng hậu của chính phủ trong đại dịch là một phần nguyên nhân gây ra lạm phát cao đột biến.

Báo cáo cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Fed, vốn đã bắt tay vào một trong những chiến dịch thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong lịch sử. Các nhà hoạch định chính sách đã thông qua 5 đợt tăng lãi suất liên tục, trong đó có 3 đợt tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp và không có dấu hiệu chậm lại.

Sau báo cáo lạm phát tháng 9 nóng hơn dự kiến, ngân hàng trung ương được cho là sẽ thông qua mức tăng 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp vào đầu tháng 11.