VNReport»Kinh tế»Tài chính»Vụ rút tiền hàng loạt ở SCB ít tác động tới sự ổn định tài chính

Vụ rút tiền hàng loạt ở SCB ít tác động tới sự ổn định tài chính

11:21 - 14/10/2022

S&P Global Ratings không cho rằng xếp hạng tín dụng quốc gia đối với Việt Nam sẽ chịu tác động đáng kể từ vụ rút tiền hàng loạt ở SCB.

Theo S&P Global Ratings, xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam đối mặt với rủi ro hạn chế sau khi khách hàng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đổ xô rút ​​tiền tiết kiệm của mình trong vài ngày qua.

Rain Yin – một nhà phân tích tín dụng quốc gia của S&P ở Singapore – cho biết: “Trong phạm vi đây là những sự kiện riêng lẻ và có tác động hạn chế đến sự ổn định tài chính, chúng tôi không kỳ vọng sẽ có tác động đáng kể đến xếp hạng tín dụng quốc gia của chúng tôi đối với Việt Nam”.

Khách hàng đổ xô rút tiền gửi ở SCB đầu tuần này.

Khách hàng đổ xô rút tiền gửi ở SCB đầu tuần này.

Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước phải trấn an thị trường sau khi cổ phiếu tài chính lao dốc và khách hàng của SCB đổ xô rút tiền gửi trong bối cảnh lo ngại về việc ngân hàng này có quan hệ với Vạn Thịnh Phát – một tập đoàn bất động sản lớn đang bị điều tra. SCB là ngân hàng lớn thứ 5 cả nước tính theo quy mô tiền gửi và giá trị tài sản – chỉ sau 4 ngân hàng quốc doanh lớn – và là 1 trong 3 ngân hàng hiện chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhóm ngân hàng của S&P cho biết rủi ro từ sự kiện này chỉ giới hạn ở riêng ngân hàng SCB, không phải toàn hệ thống ngân hàng của cả nước.

Trong ngày 13/10, gần 12.000 tỷ đồng đã được gửi vào SCB – gấp đôi so với hôm trước, theo ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM.

Cuối tuần trước, công an thông báo bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát – và các lãnh đạo khác của công ty vì cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu.

Năm 2011, 3 ngân hàng gồm SCB, ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) và ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) tái cơ cấu theo hình thức hợp nhất. Bà Lan và Vạn Thịnh Phát được cho là cổ đông chính của cả 3 ngân hàng này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của HĐQT SCB sau khi hợp nhất (2012-2017), một số thành viên cũng nắm những vị trí quan trọng tại các công ty con và công ty liên kết của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trước khi qua đời vào ngày 7/10, ông Nguyễn Tiến Thành giữ chức thành viên HĐQT độc lập của SCB và là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – phó tổng giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Sau vụ bắt giữ bà Lan, SCB đưa ra tuyên bố rằng bà không tham gia quản lý và điều hành tại SCB nên không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của ngân hàng này. Hiện tại, SCB không công bố danh sách các thành viên HĐQT trên trang web của mình.