VNReport»Top»5 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

5 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

12:03 - 21/10/2022

Tính theo giá trị đầu tư lũy kế, Hàn Quốc là đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam.

  1. Hàn Quốc (80,5 tỷ USD)

Hàn Quốc là đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam nhiều nhất. Lũy kế đến ngày 20/9/2022, giá trị các dự án đầu tư còn hiệu lực của nước này vào Việt Nam là 80,5 tỷ USD, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây cũng là quốc gia có số dự án còn hiệu lực nhiều nhất, lên đến 9.438. Giá trị đầu tư và số dự án đầu tư lũy kế của Hàn Quốc chiếm lần lượt 18,7% và 26,4% tổng đầu tư vào Việt Nam.

Samsung Electronics Việt Nam hiện là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc được trao giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008 với số vốn đầu tư 670 triệu USD. Tính đến cuối năm 2021, Samsung được ước tính đã rót gần 18 tỷ USD và có 8 nhà máy sản xuất, nghiên cứu ở Việt Nam, tập trung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM.

Các doanh nghiệp lớn khác của Hàn Quốc cũng đầu tư nhiều vào Việt Nam bao gồm, LG, Hyundai, Kumho, Doosan, Posco …

  1. Singapore (70,2 tỷ USD)

Với 3.003 dự án đầu tư còn hiệu lực tính đến ngày 20/9 với tổng vốn đăng ký 70,2 tỷ USD, Singapore là đối tác đầu tư lớn thứ 4 tính theo số dự án và thứ 2 tính theo tổng vốn đăng ký lũy kế vào Việt Nam, chiếm 8,4% tổng số dự án và 16,2% tổng giá trị FDI vào Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm nay, đất nước Đông Nam Á này là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 4,8 tỷ USD từ 173 dự án cấp mới, 68 dự án điều chỉnh và 277 lượt góp vốn mua cổ phần.

Các dự án lớn nhất mà Singapore đầu tư vào nước ta thuộc lĩnh vực bất động sản và hạ tầng. Chúng bao gồm Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu (4 tỷ USD), khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (4 tỷ USD) và Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Long An I và II (3,1 tỷ USD). Trong những buổi làm việc gần đây, lãnh đạo hai nước bày tỏ ý định muốn thúc đẩy đầu tư của Singapore vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh … tại Việt Nam.

  1. Nhật Bản (66,1 tỷ USD)

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đăng ký đầu tư 80,5 tỷ USD thông qua 4.931 dự án còn hiệu lực vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 – xếp thứ hai tính theo số lượng dự án và thứ 3 theo tổng vốn đăng ký. Nước này chiếm 13,8% tổng số dự án và 18,6% tổng giá trị FDI vào Việt Nam.

Khoảng 2/3 giá trị đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam là vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng lớn gồm sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa; và kinh doanh bất động sản. Các địa phương được Nhật Bản rót nhiều vốn gồm Thanh Hóa, Hà Nội, Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai.

Các dự án lớn nhất gồm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Nhật Bản đóng góp gần 40% trong tổng vốn đăng ký 9 tỷ USD), dự án thành phố thông minh ở huyện Đông Anh, Hà Nội (4,1 tỷ USD), nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,8 tỷ USD).

  1. Đài Loan (36,0 tỷ USD)

Tính đến ngày 20/9, Đài Loan có 2.885 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 36,0 tỷ USD. Việt Nam là 1 trong 5 điểm đến đầu tư phổ biến nhất của Đài Loan, và là điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á, chiếm một nửa tổng đầu tư lũy kế của nước này vào khu vực.

Các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư lớn vào Việt Nam thường thuộc lĩnh vực sản xuất đồ điện tử. Foxconn – nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới – ước tính đã đăng ký đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD. Các công ty khác trong cùng lĩnh vực này như Pegatron và Wistron đã đầu tư hàng trăm triệu USD.

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Đài Loan chọn đầu tư nhiều hơn vào các địa phương miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Phòng …; thay vì tập trung vào các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu …

  1. Hong Kong (28,6 tỷ USD)

Tổng vốn đầu tư đăng ký lũy kế của Hong Kong tính đến ngày 20/9 là 28,6 tỷ USD, từ 2.122 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 5 về giá trị và thứ 6 về số dự án. Nhiều doanh nghiệp Hong Kong đầu tư vào Việt Nam với vai trò trung gian cho các doanh nghiệp ở những nước thứ ba, vì các doanh nghiệp đa quốc gia ưa thích đăng ký kinh doanh tại đây – nơi có mức thuế thấp và thủ tục kinh doanh đơn giản.

Một lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hong Kong đầu tư nhiều vào Việt Nam là chế biến, chế tạo – ví dụ như Beerco Limited góp vốn 3,85 tỷ USD vào Công ty TNHH Vietnam Beverage để sản xuất bia và mạch nha ủ men bia, Goertek Hong Kong đăng ký đầu tư 260 triệu USD tại Bắc Ninh để sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Các lĩnh vực khác ghi nhận đầu tư lớn từ Hong Kong bao gồm bất động sản và tài chính.