VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán 21/10: Bán tháo toàn sàn, VN-Index về gần đáy trong năm

Chứng khoán 21/10: Bán tháo toàn sàn, VN-Index về gần đáy trong năm

16:22 - 21/10/2022

Hơn 200 mã giảm sàn và VN-Index giảm gần 40 điểm, mặc dù không có thông tin lớn nào và chứng khoán thế giới không giảm mạnh.

Chứng khoán vừa trải qua một phiên giao dịch nhắc nhở cho nhà đầu tư rằng xu hướng hiện tại của thị trường vẫn là giảm, khi lực bán tháo mạnh khiến VN-Index mất phần lớn số điểm đã lấy lại trong những phiên hồi trước đó.

Cổ phiếu lao dốc ngay từ khi mở cửa và giảm liên tục từ đầu đến cuối phiên mà không có lực bắt đáy đáng kể nào. VN-Index đóng cửa mất 38,63 điểm – tương đương 3,65% – xuống còn 1.019,82 điểm. Đây là mức chốt phiên thấp thứ hai trong năm nay, sau phiên ngày 11/10 khi chỉ số ghi nhận mức đáy 1.006,20 điểm. Sau khi tạo lập mức đáy này, VN-Index hồi phục hơn 52 điểm trước khi một lần nữa lao dốc hôm nay.

Tổng cộng cả tuần, chỉ số mất 42,03 điểm – tương đương 3,96% – giảm trở lại theo tuần sau khi chấm dứt chuỗi 6 tuần lao dốc liên tiếp vào tuần trước.

Cổ phiếu giảm sàn la liệt ở HoSE ngày 21/10. Nguồn: Vietstock.

Cổ phiếu giảm sàn la liệt ở HoSE ngày 21/10. Nguồn: Vietstock.

Đợt bán tháo hôm nay được ghi nhận trên diện rộng với thanh khoản cao, mặc dù không có thông tin tiêu cực đáng kể nào trong nước cũng như trên thế giới.

Tổng cộng cả 3 sàn, số mã giảm sàn lên đến 234, trong số 772 mã giảm, với số mã tăng chỉ là 163. Lực bán không bỏ qua cổ phiếu dù lớn hay nhỏ, với các chỉ số VN30-Index, VNMidcap và VNSmallcap đều giảm hơn 4%.

Thanh khoản tăng đột biến lên 14,6 nghìn tỷ đồng ở HoSE – mức cao nhất trong 2 tuần qua, sau hàng loạt những phiên thanh khoản thấp trong tuần này. Lực bán có thể đến từ hoạt động giải chấp ký quỹ, với dữ liệu từ các công ty chứng khoán cho thấy dự nợ vay ký quỹ tăng trong quý III khi VN-Index cho thấy sự hồi phục.

Cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm sàn la liệt, bao gồm những mã lớn nhất như SSI (-6,9%), VND (-6,7%), VCI (-6,9%), HCM (-7,0%) … Các doanh nghiệp này đã công bố kết quả kinh doanh quý III với lãi giảm mạnh hoặc thậm chí lỗ nặng, nhưng điều này không có gì bất ngờ trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc.

Một số doanh nghiệp sản xuất thép cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý III, cho thấy tình hình kinh doanh của ngành đang rất xấu. Mặc dù chưa công bố, HPG (-6,6%) được cho là sẽ báo cáo lợi nhuận giảm mạnh, giống như HSG (-6,7%) và NKG (-6,8%).

Thậm chí một cổ phiếu lớn công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực như TCB (-6,9%) cũng giảm sàn. Những mã ngân hàng giảm mạnh khác gồm CTG (-6,9%), MBB (-6,1%), STB (-7,0%) …

Khối ngoại bán ròng mạnh ở mức 439,8 tỷ đồng tại HoSE, tập trung vào HPG (-232,6 tỷ đồng, VHM (-153,2 tỷ đồng) và VND (-83,9 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, VNM (+95,6 tỷ đồng) được mua ròng nhiều nhất.

UPCoM-Index giảm 2,74% xuống 78,57 điểm. Giống như VN-Index, đây cũng là mức chốt phiên thấp thứ hai trong năm nay của chỉ số này. Trong khi đó, HNX-Index đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 là 217,41 điểm sau khi giảm 3,75%.