VNReport»Kinh tế»Kinh tế châu Á thiệt hại nặng nhất khi thương mại toàn cầu giảm sút

Kinh tế châu Á thiệt hại nặng nhất khi thương mại toàn cầu giảm sút

11:49 - 31/10/2022

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nhiều thứ để mất hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới nếu hệ thống thương mại toàn cầu chia tách trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.

Trong một nghiên cứu mới đây, IMF đã đưa ra dự báo các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có thể mất hơn 3% GDP nếu thương mại toàn cầu sụt giảm. Ngưỡng sụt giảm GDP nói trên gấp đôi ngưỡng sụt giảm của toàn cầu. Khi nhiều lĩnh vực tại châu Á sụt giảm nghiêm trọng sẽ có thể đẩy thất nghiệp toàn cầu lên ngưỡng 7%.

Bà Krishna Srinivasan – Giám đốc phụ trách bộ phận khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IMF cho biết những khó khăn từ bất ổn thương mại gia tăng và thêm nhiều biện pháp hạn chế sẽ dẫn đến thế giới bị phân cực, chia rẽ. Châu Á sẽ thiệt hại nặng nề hơn các khu vực khác bởi châu Á giữ vị thế vô cùng quan trọng trong kinh tế toàn cầu và trong một thế giới bị chia rẽ, châu Á sẽ mất rất nhiều.

Khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể mất hơn 3% GDP nếu thương mại toàn cầu sụt giảm

Trên thực tế, những dấu hiệu về sự chia rẽ và phân cực trong thương mại toàn cầu xuất hiện bắt đầu từ khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào năm 2018. Tuy nhiên, những dấu hiệu rõ rệt hơn thực sự xuất hiện từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang tạo ra thêm bất ổn cho các mối quan hệ thương mại toàn cầu.

Theo IMF, không chỉ riêng các biện pháp hạn chế thương mại, những bất ổn chính trị xung quanh vấn đề thương mại sẽ có thể gây tổn hại đến hoạt động kinh tế khi mà nhiều doanh nghiệp ngừng tuyển dụng và đầu tư. Ngoài ra thêm nhiều doanh nghiệp trì hoãn việc gia nhập thị trường. Theo số liệu của IMF, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc làm suy giảm đầu tư ước tính khoảng 3,5% trong 2 năm.

IMF nhận định tác hại của việc thương mại “đứt gãy” đối với các nước mới nổi châu Á lớn hơn, những doanh nghiệp nợ nần nhiều cũng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Ngoài ra đang có những lo ngại về khả năng dòng vốn bị rút mạnh khỏi châu Á. Tuy nhiên, tình hình hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tình hình diễn biến dòng vốn tại châu Á hiện đang khá trái chiều, vốn bị rút khỏi Đài Loan, Trung Quốc và cả Indonesia, tuy nhiên dòng vốn lại đang vào mạnh Thái Lan.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương vừa được công bố, IMF đã cắt giảm dự báo kinh tế châu Á khi cho rằng khu vực này đang bắt đầu có dấu hiệu chững lại do những trở ngại từ việc thắt chặt tài chính toàn cầu, xung đột ở Ukraine và sự suy thoái mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.

Từ đó, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương xuống còn 4,0% trong năm nay và 4,3% trong năm tới, lần lượt giảm 0,9 và 0,8 điểm phần trăm so với dự báo trong Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2022. Đây được xem là sự sụt giảm đáng kể sau khi khu vực này tăng trưởng 6,5% trong năm 2021.

Tuy nhiên, theo bà Anne-Marie Gulde – Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IMF, vẫn có một số mặt tích cực đối với nền kinh tế châu Á khi các nền kinh tế như Nhật Bản và Hong Kong mở cửa, sự dịch chuyển lao động sẽ tạo ra hoạt động kinh tế và có thể hạn chế sự suy thoái. Bên cạnh đó, đồng tiền trong khu vực này giảm giá đồng nghĩa với việc xuất khẩu tăng lên. Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng có vai trò hạ lạm phát cơ bản trong khu vực.