VNReport»Kinh tế»Gia tăng tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp trên toàn cầu

Gia tăng tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp trên toàn cầu

12:16 - 04/11/2022

Sau khi đã giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, tình trạng vỡ nợ đang gia tăng trong năm nay và sẽ tăng tốc vào năm 2023 trên quy mô toàn cầu.

Báo cáo “Nguy cơ trở lại đối với doanh nghiệp” của công ty bảo hiểm tín dụng của Pháp Allianz Trade chỉ ra rằng khó khăn sẽ gia tăng ở nhiều lĩnh vực do khủng hoảng năng lượng và lãi suất tăng. Sau khi giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp đang gia tăng trong năm nay và dự báo sẽ tăng tốc vào năm 2023 trên quy mô toàn cầu.

Cụ thể, Allianz Trade dự đoán các trường hợp vỡ nợ doanh nghiệp sẽ tăng đến 19% vào năm 2023 so với năm nay, sau khi đã tăng 10% vào năm 2022. Hai lần tăng đáng kể này sẽ đưa tình trạng vỡ nợ trở về mức trước đại dịch vào đầu năm tới.

Doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những biến động chính trị và suy thoái toàn cầu

Châu Âu sẽ là khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng, trong đó đứng đầu là Pháp, với tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp dự kiến tăng lần lượt 46% và 29% trong các năm 2022 và 2023. Tiếp theo là Vương quốc Anh với lần lượt các tỷ lệ 51% và 10%. Đức có tỷ lệ tương ứng là 5% và 17%.

Tại Italy, số doanh nghiệp vỡ nợ dự kiến sẽ giảm 6% trong năm nay, trước khi tăng đến 36% trong năm 2023 tới. Tại Mỹ, mức tăng sẽ đạt 38% vào năm 2023. Còn tại Nhật Bản, có tới hơn 3000 công ty đã phá sản trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia Allianz Trade đánh giá tỷ lệ vỡ nợ trên toàn cầu sẽ vượt quá mức trước đại dịch vào cuối năm 2022.

Dự báo không mấy lạc quan như trên xuất phát từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài. Tác động từ hiện tượng chi phí năng lượng tăng cao và đà suy yếu nhiều nền kinh tế hàng đầu kết hợp với làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ trên quy mô toàn cầu đang trở thành mối đe dọa với các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như giấy, luyện kim, máy móc thiết bị và ngành khai khoáng chịu tác động nặng nề nhất.

Ngoài các công ty sử dụng nhiều năng lượng, tất cả các lĩnh vực bao gồm xây dựng, vận tải, viễn thông, phân phối… sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự gia tăng cùng một lúc của cả lãi suất ngân hàng và tiền lương trả cho người lao động. Điều này tạp sức ép lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Theo dự đoán của Allianz Trade, lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2023, song song với việc tăng tiền lương của các doanh nghiệp. Cú sốc này càng lớn đối với các doanh nghiệp ở châu Âu khi giá nhiên liệu đã ở mức cao kỷ lục.

Để tránh làn sóng vỡ nợ lớn hơn trong giới doanh nghiệp, các chuyên gia Allianz Trade cho rằng hỗ trợ của ngân sách nhà nước là biện pháp duy nhất. Báo cáo của Allianz Trade cho rằng hỗ trợ từ ngân sách giúp giảm sự gia tăng các khoản vỡ nợ doanh nghiệp ít nhất 10% vào năm 2022 và 2023 đối với tất cả các nền kinh tế lớn của châu Âu. Chẳng hạn như trường hợp của Pháp, các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách được cho là sẽ “cứu” 6.700 công ty vào năm 2022 và 2023.

Mặc dù vậy, nếu khủng hoảng năng lượng gia tăng khiến tỷ lệ vỡ nợ ở châu Âu có thể lên tới 25% vào năm 2023 thì hỗ trợ ngân sách ở châu Âu khi đó sẽ phải tăng lên tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì mới có thể hấp thụ cú sốc này. Đây là một thách thức lớn đối với các quốc gia.

Trong bối cảnh các khó khăn kinh tế liên tục xuất hiện, điều tồi tệ hơn có thể vẫn đang chờ đợi ở phía trước, không chỉ đối với các doanh nghiệp châu Âu mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh các quốc gia đang phục hồi từ giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, một số nền kinh tế thậm chí còn chưa thể quay trở lại với quy mô từng đạt được trước khi đại dịch nổ ra, những “báo động đỏ” phát ra từ giới doanh nghiệp càng làm xấu thêm tình hình kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.