VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tài sản của Chủ tịch Hòa Phát sụt giảm chưa từng có

Tài sản của Chủ tịch Hòa Phát sụt giảm chưa từng có

15:27 - 09/11/2022

Tình hình kinh doanh ảm đạm, thua lỗ của Hòa Phát kéo theo khối tài sản của đại gia thép Trần Đình Long liên tục sụt giảm.

Thép từng là một trong những nhóm cổ phiếu mang lại nhiều niềm vui nhất cho cổ đông trong suốt giai đoạn thị trường đi lên từ đáy Covid đến cuối năm ngoái. Dù vậy, các đợt giảm mạnh liên tiếp sau khi đạt đỉnh đã thổi bay toàn bộ thành quả tăng giá trong cả năm 2021. Hầu hết các cổ phiếu thép đều đã giảm khoảng 70-80% từ đỉnh và rơi xuống vùng đáy 2 năm. HPG cũng không ngoại lệ.

Tính từ đầu tháng 11, thị giá HPG đã giảm ròng gần 16%. Còn nếu tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu thép này đã bốc hơi hơn 63%. Vùng giá 13.150 đồng hiện tại cũng là mức thấp nhất mà HPG ghi nhận kể từ tháng 8/2020. So với đỉnh gần nhất hồi tháng 10/2021, cổ phiếu này đã giảm hơn 70% giá trị.

Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long liên tục sụt giảm từ đầu năm

Việc giá cổ phiếu liên tục lao dốc đã khiến vốn hóa Hòa Phát giảm hàng tỷ USD từ đầu năm. Cụ thể, đầu năm nay, vốn hóa nhà sản xuất thép này vẫn đạt khoảng 204.200 tỷ đồng, thuộc top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE. Tuy nhiên đến nay, sau những đợt giảm giá liên tục, vốn hóa HPG chỉ còn khoảng 76.500 tỷ đồng, tương đương mức giảm ròng gần 128.000 tỷ đồng (xấp xỉ 5,1 tỷ USD theo tỷ giá quy đổi). Hiện vốn hóa của Hòa Phát cũng đã rơi khỏi top 10 cổ phiếu lớn nhất sàn TP.HCM.

Không chỉ thổi bay hàng tỷ USD vốn hóa, đà giảm của HPG cũng khiến tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hòa Phát mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Cùng với vợ và người thân, ông Long hiện liên quan tới khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn nhà sản xuất thép này.

Việc cổ phiếu HPG giảm giá 63% từ đầu năm đã khiến cá nhân tỷ phú Trần Đình Long mất khoảng 33.300 tỷ đồng từ đầu năm. Hiện khối tài sản từ cổ phiếu HPG của ông có giá thị trường khoảng 20.000 tỷ đồng. Nếu tính cả lượng cổ phiếu do vợ và người thân ông Long nắm giữ, tổng tài sản từ cổ phiếu của gia đình ông Long hiện vào khoảng 26.700 tỷ, thấp hơn nhiều so với mức hơn 71.400 tỷ đồng đầu năm.

Đà giảm kể trên của cổ phiếu HPG diễn ra trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát liên tục giảm trong những tháng gần đây, kéo theo kết quả kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính quý III của Hòa Phát cho biết doanh nghiệp này ghi nhận hơn 34.400 tỷ đồng doanh thu trong quý vừa qua, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh và rơi xuống mức âm 1.786 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Hoà Phát báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Lần gần nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận một quý âm là cuối năm 2008.

Lãnh đạo Hòa Phát lý giải kết quả kinh doanh kể trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Trong bối cảnh đó, mới đây, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết kể từ tháng 11 tới, hai lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và hai lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Hải Dương có thể phải dừng hoạt động. Dự kiến đến đầu tháng 12, Hòa Phát sẽ tạm dừng thêm một lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất. Hiện tập đoàn này đang có 7 lò cao luyện thép tại Dung Quất và Hải Dương.

Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì. Động thái này được Hòa Phát nhận định là để “mang tính sống còn của doanh nghiệp” trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.

Trước đó, Pomina cũng đã phải dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng, phải tạm dừng hoạt động. Doanh nghiệp này cũng để ngỏ khả năng mở lại hoạt động lò cao, tùy thuộc vào triển vọng của thị trường thép.

Theo dự báo của các công ty chứng khoán, triển vọng ngành thép vẫn sẽ u ám trong những tháng cuối năm, khi Trung Quốc duy trì mặt bằng thấp do nhu cầu chưa hồi phục, trong khi các doanh nghiệp sản xuất cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu. Yếu tố tích cực là giá nguyên nhiên vật liệu giảm về cuối năm sẽ hỗ trợ quá trình giảm giá bán.

Có thể thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép có thể khởi sắc trở lại hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá thép thời gian tới. Về cơ bản, loại hàng hóa này rất khó dự báo xu hướng do chịu tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp như quá trình mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc hay cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu…