VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán 14/11: Bán tháo trở lại

Chứng khoán 14/11: Bán tháo trở lại

16:13 - 14/11/2022

VN-Index tạo đáy mới khi tiếp tục có hàng trăm mã giảm sàn nhưng không có lực kéo đối ứng từ các cổ phiếu trụ.

Hôm nay, thị trường một lần nữa ghi nhận số mã giảm sàn lên đến hàng trăm, bao gồm nhiều cổ phiếu bất động sản vốn đang là tâm điểm bán tháo.

Có đến 246 mã giảm sàn hôm nay trên cả 3 sàn, nhiều hơn con số 159 mã tăng, khá giống với phiên thứ Sáu tuần trước. Nhưng hôm nay, thị trường không còn nhận được tin tức hỗ trợ lớn nào như việc lạm phát Mỹ thấp hơn dự kiến. Vì vậy, không có lực mua lớn nhằm vào các cổ phiếu trụ và VN-Index trở lại giảm điểm.

Chỉ số nhanh chóng mất hơn 30 điểm chỉ sau khoảng 10 phút giao dịch. Sau đó, lực hồi kỹ thuật – tập trung vào nhóm blue chip – giúp VN-Index thu hẹp mức giảm, nhưng không đủ để thậm chí lên gần với tham chiếu, chấp nhận đóng cửa giảm 13,49 điểm, tương đương 1,41%. Sau phiên hôm nay, VN-Index lại ghi nhận một mức đáy mới kể từ cuối năm 2020 là 941,04 điểm.

HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều rơi về đáy 2 năm, lần lượt là 183,45 điểm và 66,81 điểm. Các chỉ số này giảm mạnh hơn VN-Index vì phụ thuộc nhiều hơn vào các cổ phiếu nhỏ. Mức giảm là 3,35% với HNX-Index và 2,64% với UPCoM-Index.

Hàng trăm mã giảm sàn ngày 14/11. Nguồn: Vietstock.

Hàng trăm mã giảm sàn ngày 14/11. Nguồn: Vietstock.

Vẫn chưa có bất kỳ động thái “giải cứu” nào đối với 2 cổ phiếu NVL (-6,9%) và PDR (-6,9%). Đây là 2 trong số 39 mã bất động sản giảm sàn hôm nay ở HoSE và HNX. Lượng dư bán giá sàn ở 2 cổ phiếu này tiếp tục tăng lên đến hơn 60 triệu đơn vị mỗi mã.

Ngoài bất động sản, rất nhiều nhóm ngành ghi nhận lượng lớn cổ phiếu giảm sàn hoặc giảm sâu, bao gồm dầu khí, hóa chất, phân bón, nông nghiệp, thủy sản, chứng khoán, xây dựng …

Nhóm ngân hàng giảm nhẹ hơn, đặc biệt là cổ phiếu của 3 ngân hàng quốc doanh lớn: VCB (-0,5%), BID (-0,3%), thậm chí CTG (+1,3%) còn tăng giá.

Điểm sáng lớn nhất hôm nay đến từ cổ phiếu ngành thực phẩm – đồ uống. Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cơ bán này tiếp tục thể hiện vai trò là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư khi thị trường biến động mạnh: VNM (+0,8%), MSN (+3,0%), SAB (+3,8%).

Thanh khoản giảm xuống còn 9,4 tỷ đồng ở HoSE và 10,7 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Cũng giống như những phiên trước, giá trị giao dịch thấp vì hàng trăm cổ phiếu giảm xuống mức giá sàn và rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng lớn trên cả 3 sàn. Ở HoSE, họ mua ròng 1.694,7 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị mua chiếm gần 1/3 tổng giá trị mua toàn sàn. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của khối ngoại trong việc giảm thiểu thiệt hại trên thị trường hôm nay. Có 5 mã được mua ròng trên trăm tỷ đồng – STB (+336,6 tỷ đồng), HPG (+168,4 tỷ đồng), SSI (+155,3 tỷ đồng), KBC (+133,1 tỷ đồng) và VND (+106,7 tỷ đồng) – thì 4 mã (trừ HPG) tăng ngược dòng thị trường chung. Ở chiều ngược lại, các chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (-38,7 tỷ đồng) và FUESSVFL (-17,5 tỷ đồng) bị bán ròng nhiều nhất.