VNReport»Kinh tế»Nhiều nền kinh tế lớn nguy cơ suy thoái

Nhiều nền kinh tế lớn nguy cơ suy thoái

17:38 - 16/11/2022

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm với nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 16/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho hay một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thực sự rơi vào suy thoái, giữa bối cảnh tình hình ở Ukraine còn phức tạp và giá lương thực, năng lượng toàn cầu tăng cao.

Dù suy thoái không xảy ra ở khắp mọi nơi, nhưng một số nền kinh tế quan trọng phải đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái có thể gây tác động đáng kể đối với các thị trường mới nổi và các nước nghèo vốn cần nhu cầu bên ngoài từ các nước phát triển để phục hồi.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala

Theo Tổng Giám đốc WTO, kinh tế toàn cầu còn rất nhiều yếu tố không chắc chắn và hầu hết các rủi ro đều ở phía bất lợi, chẳng hạn như hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine và những “cơn gió ngược” từ lạm phát phi mã. Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực đang gia tăng và gây tổn hại cho các nước nghèo vì gián tiếp đẩy giá lương thực lên cao.

Vào hồi đầu tháng 10, WTO từng dự đoán tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới năm 2023 chỉ ở mức 1%. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đó của tổ chức này là 3,4%.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 3,3% trong năm nay, chậm hơn so với dự đoán của các nhà phân tích hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,5% của Chính phủ Trung Quốc. Sự chững lại của Trung Quốc đã “phủ bóng đen” lên nền kinh tế toàn cầu.

Theo dữ liệu mới được công bố ngày 15/11, tổng sản phầm quốc nội (GDP) Nhật Bản trong quý III giảm 1,2%. Đây là lần suy giảm đầu tiên trong vòng 4 quý gần nhất và đi ngược dự báo tăng trưởng. Mức sụt giảm mới của nền kinh tế thứ 3 thế giới do đồng yên yếu và chi phi nhập khẩu tăng mạnh làm gia tăng thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết nền kinh tế Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, còn nền kinh tế Mỹ có thể “thoát hiểm trong gang tấc” nhờ thị trường việc làm phục hồi.

Trước đó, ngày 13/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu thậm chí sẽ còn ảm đạm hơn so với dự báo của tháng trước. Theo IMF, viễn cảnh u ám này bắt nguồn từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn lạm phát, đà tăng trưởng yếu của Trung Quốc, tình trạng gián đoạn nguồn cung và mất an ninh lương thực kéo dài do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tháng trước, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 từ 2,9% xuống còn 2,7%. Cơ quan này nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng ở châu Âu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu.