VNReport»Kinh tế»Xuất nhập khẩu hướng tới kỷ lục mới

Xuất nhập khẩu hướng tới kỷ lục mới

17:28 - 22/11/2022

Dù gặp nhiều khó khăn song với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức 700 tỷ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Hướng đích 700 tỷ USD vào cuối năm 2022

Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố chiều 21/11/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tháng 10 đạt 58,27 tỷ USD, tăng 0,1% (tương ứng tăng 67 triệu USD) so với tháng 9.

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước đạt 616,3 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 75,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 10 thặng dư 2,47 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 lên 9,59 tỷ USD.

Cụ thể về xuất khẩu, trong tháng 10/2022 đạt 30,37 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Một số nhóm hàng tăng trong tháng như: điện thoại và linh kiện; giày dép; dầu thô…

Xuất nhập khẩu Việt nam đang hướng tới kỷ lục mới

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 312,94 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 43,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng tăng nhiều nhất gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; điện thoại các loại và linh kiện…

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2022 đạt 27,9 tỷ USD, giảm 1,7% (tương ứng giảm 485 triệu USD) so với tháng trước. Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu giảm mạnh, gồm: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; dầu thô; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may da giày…

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 303,35 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tăng mạnh nhất là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; xăng dầu các loại; hóa chất và sản phẩm hóa chất; than; dầu thô; nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

Theo Bộ Công Thương, số lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 thấp hơn 25-50% so với quý 2/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Bên cạnh đó, sự biến động của tỷ giá đồng USD cũng là một trở ngại đối với các giao dịch quốc tế; đồng nội tệ của nhiều nước đang mất giá so với đồng USD, khiến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam càng khó cạnh tranh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, song với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức 700 tỷ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Theo Bộ Công Thương, đây sẽ là một kỷ lục mới, một dấu mốc mới trong hoạt động thương mại Việt Nam. Dự kiến đây sẽ là năm thứ 7 Việt Nam xuất siêu.

Thêm trợ lực cho doanh nghiệp xuất khẩu

Trong bối cảnh lạm phát, suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia… sẽ gây bất lợi đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Cụ thể, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 chỉ đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 4,1% tại thời điểm đầu năm 2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 4-2022. Để giữ vững nhịp tăng trưởng xuất khẩu, từ đó ổn định đầu ra cho sản xuất, các chuyên gia cho rằng cần thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn về vốn. Ngành dệt may có kiến nghị gửi Chính phủ, các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp; hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp để duy trì giữ ổn định lao động.

Đề cập tới các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ bị thu hẹp, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Cùng với đó, Bộ Công Thương tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật tình hình đối tác, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam để có đối sách phù hợp. Doanh nghiệp nên không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhâp khẩu hàng hóa lớn từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà có thể chuyển hướng sang thị trường khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút. Bên cạnh đó cần đa dạng hóa mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước…

Ngoài ra, doanh nghiệp cần cập nhật tiêu chuẩn quốc gia, nhãn hàng và nhu cầu thị trường, đặc biệt là tính đến đầu tư vào những mặt hàng có ưu thế xuất khẩu và nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu quốc tế.