VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người Việt chuộng đặt hàng online nhất Đông Nam Á

Người Việt chuộng đặt hàng online nhất Đông Nam Á

15:57 - 23/11/2022

Thói quen và xu hướng mua sắm online được hình thành cũng như thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì, tiếp tục phát triển tại Việt Nam.

Sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” nhanh chóng. Tuy nhiên, một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành cũng như thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì, tiếp tục phát triển. Có tới 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì, thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới.

Báo cáo Xu hướng giao hàng thực phẩm và hàng hóa tại Đông Nam Á năm 2022 vừa được Grab công bố cũng cho thấy, người dùng Việt Nam vẫn tiếp tục ưa thích sử dụng các dịch vụ giao hàng, trong đó dịch vụ giao đồ ăn và hàng hoá là một phần của lối sống hiện đại, thay vì chỉ là nhu cầu thiết yếu trong thời kỳ dịch Covid-19 hay sở thích trước đại dịch.

Người dùng Việt Nam đặt hàng thường xuyên nhất trong khu vực Đông Nam Á

Theo đó, nếu người dùng Singapore chi nhiều nhất cho việc giao hàng thì người dùng Việt Nam đặt hàng thường xuyên nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, đối tượng sử dụng dịch vụ giao hàng nhiều nhất có xu hướng là các gia đình trẻ. Khoảng 72% người dùng dịch vụ giao đồ ăn ở Việt Nam là các gia đình có con nhỏ, họ đặt giao hàng ít nhất 7 lần/tháng. Tương tự, dịch vụ giao hàng hóa ghi nhận 76% người dùng có con nhỏ, sử dụng dịch vụ trên 14 lần/tháng.

Nhu cầu cao từ phía người dùng khiến các nhà hàng tiếp tục số hóa để đáp ứng nhu cầu giao nhận thực phẩm và hàng hóa. Ở Việt Nam, có tới 9 trên 10 nhà hàng cho biết các nền tảng giao hàng là dịch vụ không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh của họ. Con số này cao hơn so với mức trung bình trong khu vực.

Bên cạnh đó, thực phẩm có nguồn gốc thực vật và có lợi cho sức khỏe ngày càng phổ biến, với khoảng 83% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát đã dùng thử thực phẩm có nguồn gốc thực vật trong 6 tháng qua và 93% người tiêu dùng ăn ít nhất một bữa ăn có lợi cho sức khỏe mỗi 2-3 ngày.

Xu hướng này được phản ánh qua thói quen đặt hàng của người dùng Grab tại Việt Nam, với nhu cầu về các bữa ăn lành mạnh trên GrabFood tăng gấp đôi trong giai đoạn 2019-2022, và các đơn hàng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần tăng gấp 6 lần trên GrabMart trong giai đoạn 2020-2022.

Cùng với đó, ăn vặt trở thành một trào lưu trong bối cảnh các văn phòng làm việc mở cửa trở lại, dẫn đến 2/5 người tiêu dùng Việt Nam ăn vặt ít nhất một lần trong ngày, hơn 60% người tiêu dùng có xu hướng đặt đồ ăn nhẹ cho nhóm mỗi đơn hàng. Trong đó, chuối chiên và sữa chua trân châu là các món ăn nhẹ phổ biến nhất tại Việt Nam.

Ngoài ra, xu hướng ẩm thực địa phương cũng chiếm vị trí cao khi người tiêu dùng Việt Nam quay trở lại với niềm đam mê bánh mì trong nửa đầu năm 2022. Bánh mì chiếm vị trí thứ 4 trong danh sách các món ăn được đặt nhiều nhất trên GrabFood. Cơm sườn cũng là món ăn yêu thích của người Việt và đã thăng hạng trong năm nay, chiếm vị trí thứ 2.

Ông Willy Chang – thành viên cộng sự của Bain & Company cho rằng nền kinh tế số Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 hồi năm 2021. Do đó, với nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao cùng với những nỗ lực từ phía chính phủ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số khắp các lĩnh vực và sự tập trung của nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp nền kinh tế số tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới.

Theo báo cáo do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỉ USD trong năm 2021 lên 23 tỉ USD, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.