VNReport»Top»4 kỳ lân công nghệ của Việt Nam

4 kỳ lân công nghệ của Việt Nam

17:08 - 23/11/2022

Việt Nam hiện có 4 kỳ lân công nghệ – những công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên – bao gồm VNG, VNLife, M_Service và Sky Mavis.

Thuật ngữ “kỳ lân” trong ngành tài chính nói đến những công ty khởi nghiệp có định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Những công ty như vậy thường đến từ lĩnh vực công nghệ.

Ở Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp đạt được mức định giá này, trong bối cảnh nền kinh tế số của đất nước đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Theo Forbes, số lượng kỳ lân công nghệ của Việt Nam hiện chỉ xếp sau Singapore và Indonesia trong khu vực.

  1. VNG

VNG trở thành công ty khởi nghiệp kỳ lân đầu tiên của Việt Nam khi được định giá 1 tỷ USD vào năm 2014 bởi World Startup Report. Đây là một doanh nghiệp công nghệ kinh doanh trong các lĩnh vực bao gồm trò chơi điện tử, nội dung mạng, thanh toán điện tử và điện toán đám mây.

Tiền thân của VNG là công ty Vinagame được thành lập vào tháng 9/2004 – kinh doanh những trò chơi trực tuyến đình đám khởi đầu là Võ Lâm Truyền Kỳ. Các sản phẩm và dịch vụ mà VNG giới thiệu về sau bao gồm Zing, Zalo, ZaloPay …

Năm 2019, VNG được định giá 2,2 tỷ USD bởi quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore. VNG từng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở Mỹ, nhưng gần đây thông báo đăng ký giao dịch trong nước ở sàn UPCoM.

  1. VNLife

VNLife được Google, Temasek và Bain & Company công nhận là kỳ lân công nghệ thứ hai của Việt Nam, đạt được định giá hơn 1 tỷ USD vào năm 2019 sau khi được các quỹ SoftBank Vision Fund và GIC cam kết rót vốn 300 triệu USD.

Đây là công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp. VNLife cũng điều hành mạng lưới thanh toán VNPay-QR – với sự tham gia của hơn 22 triệu người dùng và 150.000 người bán hàng.

VNLife có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì Việt Nam được đánh giá là thị trường rất màu mỡ cho công nghệ tài chính. Một lượng lớn dân số Việt Nam ít hoặc không có khả năng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, trong khi smartphone và mạng Internet lại có mức độ thâm nhập cao – tạo cơ hội lớn cho dịch vụ thanh toán điện tử phát triển.

  1. M_Service

M_Service trở thành kỳ lân công nghệ tài chính thứ hai của Việt Nam sau khi được định giá hơn 2 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái, nhờ việc huy động được khoảng 200 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư dẫn đầu bởi Ngân hàng Mizuho. Đây là vòng gọi vốn thứ 5 của công ty sở hữu ứng dụng MoMo. Trong 4 vòng trước, M_Service huy động được tổng cộng gần 234 triệu USD.

M_Service ra đời năm 2007 với xuất phát điểm là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại. Đến năm 2014, công ty ra mắt ứng dụng ví điện tử MoMo. Tính đến cuối năm 2022, công ty cho biết đây là ứng dụng thanh toán phổ biến nhất ở Việt Nam với hơn 31 triệu người dùng, cung cấp hàng trăm dịch vụ tài chính từ thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, chuyển tiền đến mua sắm, dịch vụ ăn uống …

  1. Sky Mavis

Sky Mavis là nhà phát triển trò chơi điện tử Axie Infinity. Đây là trò chơi từng gây sốt trên toàn thế giới, tâm điểm của trào lưu “Play to Earn” (Chơi để kiếm tiền). Cơ chế của trò chơi dựa vào các NFT – một loại tài sản số có liên quan đến tiền mã hóa.

Sky Mavis trở thành kỳ lân vào cuối năm ngoái sau khi huy động thành công 152 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, đưa định giá công ty lên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, định giá này đạt được khi tiền mã hóa và các tài sản số tăng lên giá trị cao nhất trong lịch sử. Với việc những tài sản này bị bán tháo trong năm nay, không rõ định giá hợp lý của Sky Mavis hiện là bao nhiêu.

Tháng 3 năm nay, mạng lưới của Axie Infinity bị tin tặc tấn công, lấy đi số tiền mã hóa trị giá hơn 600 triệu USD. Công ty đã hoàn trả đầy đủ tiền cho người dùng nhờ huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Theo FBI, vụ tấn công này là do một nhóm tin tặc được tài trợ bởi chính phủ Triều Tiên.