VNReport»Kinh tế»Nâng vị thế cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Nâng vị thế cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

16:29 - 24/11/2022

Công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế quốc gia songg thực tế lĩnh vực này còn chưa được đặt đúng vị trí và chưa được quan tâm một cách đúng mức.

Khó khăn chất chồng

Sau gần 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, tại Việt Nam hiện có khoảng 36 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 435 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế ước đạt hơn 269 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cả nước mới chỉ có gần 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Bức tranh chưa có nhiều điểm sáng cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ đang phát triển chậm cả về lượng và chất, đồng thời mô tả rõ mối liên kết lỏng lẻo giữa khối doanh nghiệp trong nước và FDI.

Theo ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba), hiện nay các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc đầu tư, xây dựng phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội lại càng khó khăn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công và một số dịch vụ khác tăng cao.

Thực tế, dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng  dường như các doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được do các chính sách này còn có nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện, một số quy định ưu đãi còn chung chung khiến các cơ quan thừa hành cấp dưới lúng túng trong triển khai đến các doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Quý Khả – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện TOMECO nhận định: Từ nay đến năm 2023, các khó khăn với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung vẫn tiếp diễn, nhất là sức ép từ tình hình tài chính, lạm phát trên thế giới có thể tác động tới Việt Nam. Mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đang điều hành rất tốt, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng vẫn sẽ có tác động nên sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước chỉ là phụ, doanh nghiệp tự lực mới là vấn đề chính yếu.

Ngoài ra, ông Khả cũng cho biết, doanh nghiệp còn gặp khó khăn do chính sách thường xuyên thay đổi. Mặc dù những thay đổi này đa phần phù hợp, nhưng các doanh nghiệp thường có độ trễ để bắt kịp. Đơn cử như với không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ việc xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị thường mất 2-3 năm, đến khi đi vào hoạt động lại không còn phù hợp với chính sách hiện hành đó có sự thay đổi tạo thành rủi ro rất lớn.

Chia sẻ với báo giới, bà Trần Thị Lan Anh – Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Trong xu thế tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu và xu thế phát triển bền vững, phát triển công nghiệp hỗ trợ thời kỳ mới đối mặt với nhiều thách thức. Tuy đã có nhiều bước tiến song hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà chủ yếu trong ngành cơ khí, dệt may da giày (có đến 88% là doanh nghiệp nhỏ và vừa) nên điều kiện hoạt động vẫn còn rất hạn chế.

Khảo sát của Tổng cục thống kê cho thấy phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp, trong khi các công cụ khác như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1-2%.

Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Cùng với đó, vẫn còn nhiều thách thức như về quy mô, kinh nghiệm, năng lực, thị phần, thương hiệu… đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên để công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn.

Để gỡ khó cho công nghiệp hỗ trợ

Cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ đang hiện hữu với triển vọng rất tích cực, vấn đề cốt lõi là cần biến cơ hội, triển vọng đó thành hiện thực. Xuất phát từ những tồn tại đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay, theo Chủ tịch Hansiba, doanh nghiệp rất mong muốn trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ quan tâm, xem xét các đề xuất, kiến nghị xuất phát từ thực tế hoạt động, tập trung vào một số nội dung như: bạn hành Luật Công nghiệp hỗ trợ; quy hoạch từng vùng kinh tế để phát triển từng lĩnh vực cụ thể trong ngành công nghiệp hỗ trợ; có cơ chế đặc thù về vốn; cho phép các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vay vốn ODA; nâng cao hoạt động kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam…

Trước những khó khăn và thách thức của ngành, ông Lê Quý Khả cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý, Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bắt nhịp với các chính sách kịp thời. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về việc phối hợp cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp hơn với những ngành công nghệ hỗ trợ đòi hỏi độ chính xác cao cũng như đáp ứng việc dịch chuyển công nghệ từ các nhà máy sản xuất đa quốc gia đến Việt Nam.

Để giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Tổng thư ký VCCI cho biết: VCCI thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại giữa các doanh nghiệp của quốc gia đầu tư và doanh nghiệp của quốc gia nhận đầu tư, các doanh nghiệp đầu chuỗi và cung ứng quốc tế. Ngoài ra, VCCI cũng đã triển khai các chương trình, dự án nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, đặc biệt với các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử, chế biến gỗ, nông nghiệp… nhằm đáp ứng yêu cầu của người mua/MNEs.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại, tạo ra làn sóng dịch chuyển mạnh về sản xuất và đầu tư. Với lợi thế nhất định về kinh tế-chính trị, Việt Nam đang trở thành điểm đến hứa hẹn đón làn sóng dịch chuyển này. Nếu biết nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt nam sẽ cơ hội lớn để phát triển và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn hơn.