VNReport»Kinh tế»Thủy sản Việt Nam tìm cơ hội xuất khẩu

Thủy sản Việt Nam tìm cơ hội xuất khẩu

12:30 - 28/11/2022

Trước những khó khăn do đơn hàng giảm và lãi suất tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tận dụng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động sản xuất, sẵn sàng cho sự phục hồi sắp tới.

Hướng mốc 11 tỷ USD năm 2022

Theo ông Trương Đình Hòe – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tới cuối tháng 11 cán mốc 10 tỉ USD và hết năm 2022 dự báo cán mốc 11 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỉ USD (tăng 30%), xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỉ USD (tăng hơn 80% cùng kỳ năm 2021) và có thể đạt mức 2,5 tỉ USD trong năm nay. Tương tự, sản phẩm cá ngừ lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD. Nhìn chung các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số, từ 18 – 77%.

Xuất khẩu thủy sản phục hồi tốt sau dịch Covid-19

Từ những số liệu trên cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, dấu hiệu phục hồi mạnh và nhanh còn thể hiện ở con số 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản ngay trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, top 100 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu có doanh số trên 20 triệu USD/năm, chiếm 65%. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thuộc nhóm mặt hàng tôm và cá tra.

Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào tất cả thị trường đều tăng, trong đó, lần đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 2 tỷ USD. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy trong thời điểm khó khăn, doanh nghiệp thủy sản vẫn tìm thấy được cơ hội, vượt qua được thách thức.

Để đạt được kết quả này, theo các chuyên gia do yếu tố tài chính của các thị trường và giá tác động lên doanh số xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin từ phía thị trường và đáp ứng đúng mức, đúng thời điểm.

Ông Trương Đình Hòe phân tích: Tâm lý của doanh nghiệp trong cơn biến động của năm 2022 thể hiện một bản lĩnh mạnh mẽ, kiên trì, không nản chí. Cụ thể, đầu năm 2022 các doanh nghiệp nghe tin lạm phát, chiến tranh nhưng các doanh nghiệp không lùi, vẫn tiếp tục nuôi tôm, nuôi cá và tiếp tục sản xuất để chờ và kết quả cho thấy điều đó là đúng đắn. Ngoài ra, yếu tố làm cho tăng trưởng năm nay đột biến như vậy không thể loại trừ vấn đề giá cả tăng do nhu cầu về sản phẩm thủy sản của một số thị trường sau dịch tăng lên nhanh.

Tìm cơ hội trong thách thức

Dù kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2022 của ngành thủy sản vô cùng tích cực song ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, từ cuối quý III/2022, các đơn hàng có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Một số đơn hàng ký kết bị phía khách hàng hủy bỏ hoặc hoãn, kéo dài thời gian giao hàng; việc thảo luận, bàn bạc kế hoạch kinh doanh sắp tới chưa rõ nét. Bên cạnh nhu cầu giảm do lạm phát và suy thoái kinh tế, tình hình cạnh tranh của các đối thủ ngành tôm ngày càng gay gắt khiến việc tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn gặp khó khăn, điều này khiến cho hàng hóa của doanh nghiệp thủy sản bị tồn kho.

Dự báo tình hình ngành thủy sản năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức do phụ thuộc vào tình hình thế giới vì thị trường Trung Quốc chưa thể mở cửa sớm được trong cuối năm nay. Song song đó, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hoãn đến cuối quý I/2023.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe nhận định thị trường không thể xuống mãi. Nếu thị trường lên ở giai đoạn cuối quý I/2023, có thể dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023 ở mức trên 10 tỷ USD. Vấn đề là doanh nghiệp phải tận dụng tốt khoảng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố lại vấn đề tài chính, chi phí sản xuất một cách tối ưu và đồng thời là có thể là nâng cao chất lượng sản phẩm để phục hồi trong giai đoạn sắp tới.

Thực tế, nhu cầu tiêu dùng thủy sản có xu hướng ngày càng tăng. Thương mại thủy sản toàn cầu năm 2021 đạt khoảng 164 tỷ USD, tăng nhanh so với năm 2003 là 63 tỷ USD. Thủy sản ngày càng được yêu thích và trở thành nguồn cung cấp protein quan trọng của thế giới.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (11 tỷ USD), chiếm 7% thị phần. Xuất khẩu tôm nằm trong top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Đặc biệt, Việt Nam có gần 8% thị phần tại Hoa Kỳ, Trung Quốc trong năm 2022 và đang tăng dần thị phần tại EU sau 2 năm có EVFTA bất chấp Covid-19.

Đối với tiềm năng nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản có thể đạt 10 triệu tấn, trong đó nuôi trồng hơn 7 triệu tấn, cung cấp 70% nguyên liệu cho xuất khẩu. Việt Nam cũng có lợi thế về tính đa dạng trong nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản tăng thị phần tại các nước phát triển.

Về năng lực chế biến, công suất chế biến thực tế của các nhà máy đạt 3 triệu tấn/năm so với mức xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn hiện nay. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất, số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VASEP, để tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, ngành thủy sản cần giải quyết những thách thức trước mắt. Cụ thể, 70% nguyên liệu thủy sản đến từ nuôi trồng nên cần giải quyết bài toán quỹ đất để ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhằm giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó là một số vấn đề như: cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ; chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo quy định IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản…

Thách thức của ngành cũng đến từ các thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp bởi lạm phát, suy giảm tăng trưởng đang ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, việc cạnh tranh với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản còn đang gặp thách thức về tài chính. Chỉ số tài chính 20 công ty thủy sản niêm yết đại diện các doanh nghiệp thủy sản cho thấy việc sử dụng vốn của ngành thủy sản năm 2022 tương đối tốt so với các ngành công nghiệp khác.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, tỷ suất sinh lời ROE các công ty thủy sản niêm yết đang tăng tốt, cao hơn năm 2019 và có thể chịu được lãi suất cho vay hiện nay. Tuy nhiên, nếu như Ngân hàng Nhà nước không hạ nhiệt lãi suất huy động hoặc lãi suất cho vay, thì nhiều doanh nghiệp thủy sản nhỏ và vừa phải chấp nhận lỗ.