VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp vượt cú sốc

Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp vượt cú sốc

13:33 - 30/11/2022

Những biến động trên thế giới khiến cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn cần sớm tháo gỡ khẩn cấp để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2022, cả nước có 194.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Cũng trong 11 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 132.300 doanh nghiệp, tăng 24,3%. Như vậy, bình quân một tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo đánh giá của TS.Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội; Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang đứng trước những khó khăn chưa từng có. Tuy kinh tế trong nước đã có sự phục hồi khá mạnh mẽ vào những tháng của đầu năm nay cho đến tận quý III/2022, nhưng những tháng cuối năm tình hình lại trở nên khó khăn. Bức tranh của nền kinh tế thế giới xấu đi rất nhanh, dự báo trong năm tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng không khả quan, thậm chí dự báo nền kinh tế rất khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp trở lại; Xung đột Nga – Ukraina; Thay đổi về địa chính trị (giá dầu, năng lượng, giá vật tư, nguyên liệu gia tăng trên toàn cầu…).

Càng về cuối năm, doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn

Trong xu thế đó, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng bước vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ thời kỳ đổi mới cho đến nay. Đại dịch Covid-19 và một số yếu tố bất lợi khác đã làm cho nền kinh tế trong nước kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Sau khi chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa thị trường trở lại, nền kinh tế đã có sự hồi phục khá tốt nhưng khó khăn vẫn tiềm ẩn. Tuy có những thuận lợi, sự bứt phá trong những tháng đầu năm nhưng khó khăn đang dần ập tới về cuối năm.

Ông Nguyễn Xuân Lộc – Giám đốc Điều hành Công ty Nhất Nam cho biết, ra đời và hoạt động trên thị trường hơn 10 năm nay, ngoài khó khăn về vốn, Nhất Nam phải đối mặt với áp lực hội nhập quốc tế, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài thì trải qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn; Hoạt động nhập khẩu bị đình trệ; Thiếu nhân lực và nhân lực chất lượng cao… Do đó đây là thời điểm nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp là vô cùng lớn về mọi mặt.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Nguyễn Tùng Anh – Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay, bên cạnh các chính sách quy định, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, phục hồi và tăng trưởng, năm 2022, Chính phủ đã tung ra rất nhiều gói hỗ trợ về tài chính, trong đó có gói 40.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, gần đến hết năm 2022 mới chỉ giải ngân được 4.000 tỷ đồng. Lý do gói hỗ trợ này triển khai với tốc độ “rùa”, theo bà Tùng Anh là do: Điều kiện để được vay vốn rất khắt khe, thủ tục nhiêu khê, rườm rà, do đó doanh nghiệp “yếu” thì không dám với tới vì không đủ điều kiện; doanh nghiệp vừa vừa thì tài chính chưa minh bạch, rõ ràng và cũng không tin sẽ được vay nên không mặn mà; Một số doanh nghiệp rất muốn vay nhưng “ngại” vì phải làm rất nhiều thủ tục…

“Cởi trói” cho doanh nghiệp

TS.Đặng Xuân Hoan – Nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cũng cho rằng: Chưa khi nào doanh nghiệp khó khăn như bây giờ. Vì thế việc hỗ trợ họ là cần thiết. Và quốc gia nào cũng hỗ trợ, quan trọng hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả. Điều quan trọng hơn là cho họ sức mạnh để vượt qua khó khăn, vươn lên, phát triển.

Theo TS.Đặng Xuân Hoan: Các chính sách, quy định pháp luật sẽ thiếu sức sống và không hiệu quả, nếu cứ tồn tại mãi cơ chế xin – cho, chưa dựa trên quy luật của nền kinh tế tri thức. Thực tế này cũng dễ phát sinh tiêu cực, khó khăn, các kẽ hở cho người xấu trục lợi. “Còn thực trạng xin – cho, bao cấp của nền kinh tế chỉ huy thì chính sách dù hay đến mấy cũng không hiệu quả!” – Nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định.

Để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống, theo TS.Đặng Xuân Hoan cần hỗ trợ đúng thời điểm, gắn với nhịp sống của thực tiễn và cuộc sống. Trong đó, Chính phủ và các Bộ, ngành nên quan tâm đến việc miễn, giảm thuế và cấp vốn cho doanh nghiệp. Cùng với đó nên cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Tán thành quan điểm này, ông Lê Văn Khải – Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia) cũng cho rằng: “Muốn triển khai các điều luật, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, hãy để doanh nghiệp nói lên tiếng nói của họ. Cụ thể, trong quá trình xây dựng luật, nghị định, thông tư, nên có đầy đủ thành phần: doanh nghiệp; luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp; Cơ quan quản lý cấp tỉnh và những người sát doanh nghiệp, hiểu doanh nghiệp; Các chuyên gia về xây dựng pháp lý cho doanh nghiệp…”.

“Tóm lại, về mặt hành chính đã tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp, chưa kể đến những phức tạp về thủ tục. Cho nên điều mà doanh nghiệp cần là những tín hiệu mang tính chất về mặt thể chế tốt. Yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng là quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành và UBND. Thực tế, chúng ta vẫn nói tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng quan trọng là giảm thủ tục ở chính khâu hành chính, bởi bản thân doanh nghiệp đã có nội lực, sức đề kháng và tính tự thân rất lớn và sức sống của người Việt vô cùng mãnh liệt”. TS. Nguyễn Tất Thịnh – Chuyên gia xây dựng và tổ chức chiến lược công ty (Học viện Hành chính quốc gia) nhận định.