VNReport»Kinh tế»Trái cây Việt Nam yếu thế hơn Thái Lan ở cuộc đua xuất khẩu

Trái cây Việt Nam yếu thế hơn Thái Lan ở cuộc đua xuất khẩu

14:30 - 12/12/2022

Cả Việt Nam và Thái Lan đều là những nước xuất khẩu trái cây lớn ở Đông Nam Á song kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan lại vượt xa Việt Nam trong những năm gần đây. 

Trái cây Việt lộ điểm yếu

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả tháng 11/2022 đem về 340 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,09 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Dù trái cây Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, song thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc, chiếm 56,28% thị phần. Dù là thị trường xuất khẩu chính song các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường dẫn đến mất lợi thế so với các nước khác trong khu vực, đơn cử như Thái Lan.

Xuất khẩu trái cây Việt Nam còn nhiều điểm yếu

Theo ông Bob Wang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), cả Việt Nam và Thái Lan đều là những nước xuất khẩu trái cây lớn ở Đông Nam Á. Song điều ngạc nhiên là kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan lại vượt xa Việt Nam trong những năm gần đây. Dù chỉ có sản lượng trái cây 5,43 triệu tấn hàng năm, song trong năm 2022, người Thái dự kiến thu về 8,53 tỷ USD. Trong khi Việt Nam lợi thế hơn về sản lượng khi đạt từ 12-13 triệu tấn song chỉ thu về ước đạt 3,2 tỷ USD.

Riêng tại thị trường Trung Quốc, theo ông Bob Wang, nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường, bán hàng một cách thụ động. Khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, thương nhân Thái Lan có thể nắm bắt giá cả nhanh chóng và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn. Do đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời có thể nắm bắt thông tin mới nhất từ thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng thừa nhận, trong xuất khẩu trái cây, người Thái Lan thích ứng rất nhanh. Họ theo chân doanh nghiệp Việt vào tận các vùng trồng của nước ta để tìm hiểu. Với sầu riêng, khi Việt Nam xuất lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc, Thái Lan đã đưa tin rầm rộ và tìm hiểu, phân tích rõ đối thủ để có chiến lược sản xuất phù hợp, có lợi cho người nông dân.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng nông dân Thái Lan có những bước phát triển hơn hẳn khi đi vào chế biến sâu, với trình độ cao hơn. Thái Lan đã đầu tư mạnh tay cho công tác nghiên cứu và phát triển thị trường. Khâu marketing cũng chuyên nghiệp hơn và đem lại hiệu quả cao, trong khi đây lại là điểm yếu của Việt Nam.

Cần cuộc cách mạng trong chế biến, xuất khẩu

Với kinh nghiệm 15 năm xây dựng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, TS. Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, thị trường 1,4 tỷ dân không hề “dễ tính”. Để phát triển bền vững chuỗi giá trị rau quả, cần có một cuộc cách mạng chuyển đổi trong chế biến và xuất khẩu nông sản. Bởi hiện nay, khâu nào cũng có vấn đề, trong đó yếu nhất là logistics, chế biến.

Bà Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc. Theo bà, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường này, việc cần làm đầu tiên là bảo hộ thương hiệu. Cùng với đó là tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, có kênh bán hàng tốt, có đội ngũ tâm huyết với việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), chuẩn hóa là con đường duy nhất để đương đầu với những khó khăn, ngặt nghèo hiện tại. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường hãy giữ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để đưa rau, quả Việt Nam tới xa hơn trên trường thế giới.

Ông Bob Wang cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam nên thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt tại thị trường 1,46 tỷ dân này. “Việc lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua kênh trực tuyến sẽ cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn, ít trung gian hơn”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh nhấn mạnh.

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực đối với một số loại quả như với trái sầu riêng, chuối đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán dự kiến sẽ tăng cao. Đây sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây Việt Nam nếu biết tận dụng và nắm bắt cơ hội này. Hơn hết, doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi tư duy để phát triển theo con đường bền vững.