VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tương lai khó khăn của Gilimex sau khi kiện Amazon

Tương lai khó khăn của Gilimex sau khi kiện Amazon

17:32 - 15/12/2022

Đơn kiện đòi bồi thường 280 triệu USD Theo Bloomberg, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon bị Gilimex cáo buộc đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Cụ thể, theo đơn kiện của Gilimex, […]

Đơn kiện đòi bồi thường 280 triệu USD

Theo Bloomberg, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon bị Gilimex cáo buộc đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Cụ thể, theo đơn kiện của Gilimex, Amazon là khách hàng lớn nhất của họ, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Để đáp ứng nhu cầu của Amazon, Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn như IKEA, Columbia Sportswear…

Doanh thu Gilimex lao dốc từ quý 3/2022

Gilimex cũng đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất và xây dựng kho chứa để chứa hàng hóa của Amazon. Những kho chứa này được vận chuyển bởi robot, giúp tăng tốc độ hoàn thành các đơn đặt hàng trực tuyến.

Công ty có trụ sở tại TP.HCM cho biết đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn một triệu đơn vị lưu trữ hàng năm. Việc sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua.

Cùng với đó, Gilimex đã điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu của Amazon, vốn đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch khi nhiều người mắc kẹt tại nhà và chủ yếu mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, vào tháng 4-5 vừa qua, Amazon đã bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2022-2023. Hành động đột ngột của Amazon đã khiến nhà sản xuất này gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của Gilimex cho thấy doanh thu công ty lao dốc trầm trọng xuống chỉ còn hơn 213 tỉ đồng, giảm đến 83% so với quý 2/2022 liền kề và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng tồn kho của công ty tăng tới 70% so với đầu năm, lên gần 1.278 tỉ đồng. Tính đến ngày 30/9, Gilimex còn khoản phải thu với công ty Amazon Robotics gần 15,5 tỉ đồng…

Tương lai bất định

Từng là Big 4 trong nhóm các công ty dệt may lớn trên sàn với doanh thu đều đặn hơn cả nghìn tỷ mỗi quý, sức cạnh tranh của Gilimex ngang ngửa các đối thủ như Việt Tiến, TNG, May Sông Hồng… Thậm chí, quý đầu năm nay, doanh thu công ty đứng top 2 chỉ sau Việt Tiến.

Từ khi bắt tay với Amazon, kết quả kinh doanh của Gilimex liên tục tăng nhanh với tăng trưởng doanh thu trung bình năm đạt trên 20%. Đặc biệt, khi kênh thương mại điện tử bùng nổ trong giai đoạn Covid-19, bên bán lẻ thứ 3 như Gilimex chiếm được lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Doanh thu của Gilimex đến năm 2021 đã vượt mốc 4.000 tỷ. Từ quý 4/2021 đến quý 2/2022, doanh thu của công ty này đều đặn dao động trong khoảng 1.300 tỷ/quý, thuộc top cao hàng đầu ngành.

Tuy nhiên, việc dồn quá nhiều nguồn lực vào một khách hàng lớn đã tạo ra rủi ro cho Gilimex khi khách hàng này quay lưng. Dù là bên đâm đơn kiện, nhưng ngay sau khi có thông tin về vụ việc, làn sóng bán tháo cổ phiếu GIL ngay lập tức diễn ra trong phiên giao dịch sáng ngày 15/12.

Khối lượng giao dịch của GIL trong sáng nay đạt 2,2 triệu đơn vị và khối lượng dư bán giá sàn là 1,4 triệu đơn vị. Phiên giảm sàn hôm nay đã chấm dứt chuỗi 4 phiên hồi phục gần đây của GIL.

Với tình hình thị trường hiện nay, mảng xuất khẩu dệt may của Gilimex sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn. Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định, ngành dệt may sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh đơn hàng trong 2 quý tới trong bối cạnh lạm phát cao làm suy yếu nhu cầu may mặc toàn cầu.

Hiện tại, tương lai của Gilimex đang rất bất định sau động thái đâm đơn kiện Amazon. Bởi sau vụ việc này, liệu Amazon có tiếp tục hợp tác với Gilimex không và công ty này phải làm thế nào để có thể khỏa lấp khoảng trống mà gã khổng lồ này để lại… vẫn là câu hỏi rất lớn đang được đặt ra.