VNReport»Kinh tế»“Hiểm hoạ” bẫy thu nhập trung bình với Việt Nam

“Hiểm hoạ” bẫy thu nhập trung bình với Việt Nam

15:09 - 19/12/2022

Ví dụ về hình mẫu phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy giáo dục, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là thể chế là vấn đề cần được cải thiện để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Khoảng ba thập kỷ gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần như liên tục, trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ xô đến Việt Nam để đóng góp và hưởng lợi từ sự bùng nổ này.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 mức trung bình thế giới, trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm gần đây đạt 5,4%, một trong những mức cao nhất thế giới. Điều này cho thấy dư địa phát triển của nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong ba thập kỷ gần đây.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong ba thập kỷ gần đây.

Để trở thành một nước thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình ít nhất 7% – mức cần thiết để có GDP đầu người khoảng 25.000 USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại đáng kể trong tương lai, hiện tượng được ghi nhận ở Đông Nam Á, châu Mỹ Latin và nhiều khu vực khác trên thế giới. Các nước này bị kẹt ở cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” sau những thập kỷ tăng trưởng nóng trước đó.

Mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình

Bẫy thu nhập trung bình là thuật ngữ được Ngân hàng Thế giới đưa ra vào năm 2006, chỉ tình trạng một quốc gia bị kẹt ở vùng thu nhập trung bình, từ 1.000-12.000 USD trên đầu người tính theo giá năm 2011 (từ 1.320-15.900 USD theo giá hiện tại). Theo Ngân hàng Thế giới, trong số 101 nước có thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 nước đạt được thu nhập cao 48 năm sau. Có một số nước bị kẹt ở nhóm thu nhập trung bình hơn 6 thập kỷ.

Ví dụ kinh điển về bẫy thu nhập trung bình là các nước châu Mỹ Latin. Những quốc gia như Brazil, Mexico, Argentina… đạt được mức thu nhập trung bình sớm hơn hầu hết thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành những nền kinh tế giàu có.

Ví dụ, Brazil đạt GDP đầu người trên 1.000 USD từ năm 1974, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Nhưng đến năm 2021, sản lượng kinh tế bình quân đầu người của nước này mới chỉ đạt khoảng 7.500 USD. Mexico cũng kẹt trong vùng thu nhập trung bình kể từ năm 1974. Argentina thậm chí từng là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhưng nước này hiện chỉ có GDP đầu người khoảng 11.000 USD.

Các quốc gia này không thể cạnh tranh ở những mặt hàng được tiêu chuẩn hóa với những nước có mặt bằng lương thấp hơn. Mặt khác, họ cũng không cạnh tranh được với các nước phát triển ở mặt hàng và dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao.

Chi tiêu dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các nước Mỹ Latin chỉ bằng khoảng 1/4 so với những nước giàu. Tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ học vấn từ đại học trở lên bằng khoảng một nửa. Bất bình đẳng thu nhập ở mức cao, tỷ lệ lao động không chính thức lớn.

Ở Đông Nam Á, Malaysia và Thái Lan cũng mắc kẹt hàng thập kỷ trong vùng thu nhập trung bình.

Thái Lan và Malaysia bắt đầu công nghiệp hóa từ những năm 1960, nhằm mục đích thay đổi cơ cấu nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nông nghiệp. Hai nước ban đầu tập trung vào sản xuất hàng hóa để thay thế đồ nhập khẩu, sau đó chuyển sang đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, cả Thái Lan và Malaysia đều phụ thuộc nhiều vào nước ngoài về vốn, công nghệ và quản trị. Các lĩnh vực công nghiệp như điện tử của Malaysia và ô tô của Thái Lan tăng trưởng mạnh về số lượng, nhưng những bộ phận, thiết bị và quy trình quan trọng vẫn được nhập khẩu hoặc do công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất. Vì vậy, lao động trong nước chỉ thực hiện việc lắp ráp hoặc sản xuất những bộ phận cơ bản, trong khi những công đoạn có giá trị gia tăng lớn nhất được thực hiện bởi nước ngoài.

Cũng giống như ở Mỹ Latin, các nước Đông Nam Á có mức chi tiêu vào R&D thấp, trình độ giáo dục của người lao động và tỷ lệ lao động có kỹ năng cao kém xa so với nước giàu.

Sự khác biệt của Nhật Bản và Hàn Quốc

Số quốc gia thoát được khỏi bẫy thu nhập trung bình không nhiều, nhưng bao gồm nhiều nước láng giềng châu Á của Việt Nam như 4 “con hổ châu Á” Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore. Ngoài ra, Nhật Bản cũng được coi là thoát bẫy thu nhập trung bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai, dù nước này bắt đầu công nghiệp hóa sớm hơn nhiều.

Trước khi trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản có xuất phát điểm từ kinh tế nông nghiệp vào thế kỷ 19. Quá trình công nghiệp hóa khởi đầu vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đạt được nhiều thành tựu, nhưng bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Năm 1961, Chính phủ Nhật Bản thực hiện loạt biện pháp cải cách kinh tế, bao gồm việc cắt giảm thuế và hạ lãi suất để thúc đẩy ngành sản xuất. Ngoài ra, chính phủ cũng đẩy mạnh tự do hóa thương mại.

Nhật Bản cũng tập trung vào chiến lược công nghiệp hóa toàn diện, sử dụng tối đa nguồn lực bên ngoài và khuyến khích xuất khẩu. Kết quả, trong những năm 1960, Nhật Bản tăng trưởng trung bình hơn 10% mỗi năm, sau đó trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên ở châu Á vào thập niên 1980.

Trong khi đó, Hàn Quốc khởi đầu là quốc gia nghèo đói và lạc hậu sau Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên. Năm 1953, khi kết thúc cuộc chiến giữa hai miền nam bắc, Hàn Quốc chỉ có thu nhập bình quân đầu người khoảng 67 USD

Năm 1961, sau hàng loạt biến động chính trị, tướng Park Chung-hee lên nắm quyền sau cuộc đảo chính và bắt đầu đưa ra những biện pháp nhằm cải cách nền kinh tế, bao gồm phát triển các ngành cơ bản như điện, phân bón, xi măng, lọc dầu, thép… Những biện pháp này không lập tức hiện đại hóa nền kinh tế, nhưng tạo đà cho thành công về sau.

Thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất của nền kinh tế Hàn Quốc từ năm 1969-1995. Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở vùng nông thôn, trong khi hỗ trợ các tập đoàn lớn đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa. Đến cuối thập niên 1980, Hàn Quốc có năng lực sản xuất những máy móc, thiết bị công nghệ cao, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong ngành điện tử, ô tô…

Vai trò của thể chế

Các nhà kinh tế hầu hết nhất trí rằng bẫy thu nhập trung bình phản ánh sự chậm lại trong tăng trưởng năng suất khi các nền kinh tế sử dụng hết động lực tăng trưởng từ nguồn lao động và nguồn vốn giá rẻ. Cách duy nhất để vượt lên là tăng cường đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo và R&D.

Gần đây, giới nghiên cứu ngày càng đề cập nhiều hơn về thể chế. Theo đó, thể chế không tách biệt với những nhân tố trên, mà là điều kiện cần thiết để thực hiện và duy trì cải cách đối với chúng.

Chính sách đưa quốc gia từ mức thu nhập thấp lên trung bình dễ thực hiện hơn.

Chính sách đưa quốc gia từ mức thu nhập thấp lên trung bình dễ thực hiện hơn.

Nhiều chính sách cần thiết để đi từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, ví dụ tự do hóa thương mại, không quá phức tạp. Nhưng các chính sách cần để đưa quốc gia lên nhóm thu nhập cao đòi hỏi sự phối hợp và dung hòa lợi ích của nhiều bên. Hơn nữa, cải cách này đôi khi mâu thuẫn trực tiếp với điều kiện để các nước đạt được thu nhập trung bình từ trước, chẳng hạn như đầu tư nước ngoài vào ngành có giá trị gia tăng thấp hoặc có nhiều lao động trình độ thấp.

Ở các nước mắc bẫy thu nhập trung bình, đặc biệt tại Mỹ Latin, không có động lực cần thiết để các bên ủng hộ cải cách cần thiết. Mức độ bất bình đẳng cao khiến nền chính trị dễ rối loạn, quy mô kinh tế ngầm lớn cản trở đầu tư vào giáo dục và đầu tư nước ngoài không tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ đến những doanh nghiệp trong nước.

Số lượng ít ỏi quốc gia thoát được bẫy thu nhập trung bình trong thế kỷ 20. Đây là những nước Đông Á với nhà nước kiến tạo, các nước gia nhập Liên minh châu Âu muộn hoặc quốc gia nhỏ. Vì mối đe dọa an ninh từ bên ngoài hoặc ít tài nguyên thiên nhiên, giới tinh hoa ở những nước này không bắt chính sách phải phục vụ cho mục đích riêng.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Ở Việt Nam, những động lực từng thúc đẩy nền kinh tế trong quá khứ sẽ suy giảm trong thập kỷ tới. Ví dụ, số lao động có thể chuyển từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ đang dần cạn kiệt. Dân số già hóa nhanh và thu nhập của người lao động tăng lên làm giảm bớt lợi thế về nguồn lao động giá rẻ. Sau đây là một số khuyến nghị có thể giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.

Đầu tiên, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư hiệu quả cao. Nền kinh tế đất nước vẫn có mức độ thâm dụng vốn khá thấp, có nghĩa là thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc và công nghệ sản xuất, năng suất lao động có thể tăng vọt.

Điều này đòi hỏi một hệ thống tài chính hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí tài chính, phân bổ nguồn vốn tiết kiệm trong nước vào các lĩnh vực tư nhân có năng suất cao và cơ sở hạ tầng. Những nút thắt đối với đầu tư ở khu vực tư nhân cần được loại bỏ để giảm rủi ro và tăng lợi suất của các khoản đầu tư này.

Việt Nam cần cải thiện trình độ lao động để bù đắp cho sự giảm sút của lợi thế về giá cả.

Việt Nam cần cải thiện trình độ lao động để bù đắp cho sự giảm sút của lợi thế về giá cả.

Thứ hai, Việt Nam cần lực lượng lao động có trình độ cao hơn. Nền kinh tế phát triển nhanh đòi hỏi những quy trình sản xuất mới và phức tạp hơn so với trước đây, yêu cầu bộ kỹ năng cao hơn. Theo báo cáo từ Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, lực lượng lao động 55 triệu người của Việt Nam hiện chỉ có 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung học phổ thông tính đến năm 2019 chưa đến 40%.

Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng phù hợp. Việt Nam cần xây dựng hệ thống đào tạo nghề toàn diện cũng như các trường đại học đẳng cấp thế giới để đảm bảo khả năng cạnh tranh về kỹ năng của lực lượng lao động khi giá lao động của đất nước trở nên đắt đỏ hơn.

Thứ ba, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới. Đổi mới cần phải trở thành động lực quan trọng hơn để tăng năng suất, thông qua việc nâng cấp các quy trình, công nghệ và sản phẩm của doanh nghiệp hiện có, cũng như việc những doanh nghiệp năng suất cao thế chỗ cho doanh nghiệp năng suất thấp. Cần có những quy định đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, khả năng cạnh tranh, tính lưu động của các doanh nghiệp trong việc ra vào thị trường, cũng như cởi mở đối với thương mại và đầu tư.

Cuối cùng, biện pháp quan trọng nhất để vượt bẫy thu nhập trung bình là thể chế. Quy mô của khu vực sở hữu nhà nước vẫn còn lớn dù giảm so với trước, thể chế thị trường chưa hoàn thiện và môi trường đầu tư cồng kềnh tiếp tục cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân.

Với việc nhà nước vẫn tham gia vào hoạt động sản xuất và phân bổ nguồn lực, còn tồn tại những sân chơi không bình đẳng, nằm ngoài sự điều tiết của thị trường. Sự phân mảnh giữa các cấp chính quyền trong thực hiện chính sách và quy định cũng là một lực cản đối với khu vực kinh tế tư nhân.