VNReport»Kinh tế»Chuyển đổi số: “Thế kiềng mới” của doanh nghiệp bán lẻ

Chuyển đổi số: “Thế kiềng mới” của doanh nghiệp bán lẻ

15:36 - 21/12/2022

Quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ giúp doanh nghiệp bán lẻ “lội ngược dòng” sau Covid-19. 

“Lội ngược dòng” nhờ chuyển đổi số

Là ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 song bán lẻ lấy lại sức bật mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây tăng nhanh chóng. Thị trường bán lẻ trong những tháng cuối năm ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc khi nền kinh tế có sự phục hồi và phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 514,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua và tích cực chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng.

Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Khảo sát cũng chỉ ra rằng tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh.

Trong sự phục hồi của các doanh nghiệp ngành bán lẻ có dấu ấn của chuyển đổi số. Doanh nghiệp có tốc độ chuyển đổi số nhanh, toàn diện, sự hồi phục càng mạnh mẽ. Hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều cho rằng chuyển đổi số là công cụ hiệu quả để các thương hiệu nắm bắt trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số, tối ưu vận hành, quản lý vận hành dễ dàng, quản lý tốt đội ngũ nhân viên, nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh, giúp khách hàng có trải nghiệm xuyên suốt tốt hơn và mượt mà hơn.

Sự phục hồi của các doanh nghiệp ngành bán lẻ có dấu ấn của chuyển đổi số

Đây cũng chính là xu hướng được các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam hướng tới. Đơn cử như Tập đoàn Central Retail Việt Nam  nhanh chóng thay đổi kênh bán hàng theo sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng là tăng cường kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh trên các nền tảng số phổ biến hiện nay bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Aeon thúc đẩy phát triển các ứng dụng di động, thanh toán không dùng tiền mặt bằng ví điện tử, quầy thanh toán tự động, khách hàng chỉ cần ứng dụng thanh toán có mã QR là có thể thanh toán các dịch vụ, sản phẩm một cách nhanh chóng, dễ dàng mà không cần đến tiền mặt.

Còn hệ thống MM Mega Market Việt Nam lại hướng đến cá nhân hoá trải nghiệm cho B2B (khách hàng doanh nghiệp) bằng ứng dụng riêng…

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phan Xuân Dũng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang ở giai đoạn sôi động. Chuyển đổi số không phải là đánh mất đi mô hình cũ mà tận dụng sự thay đổi đó để ngành bán lẻ có thể hòa nhập đúng, chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

Với ngành bán lẻ, mô hình bán hàng truyền thống vẫn chiếm phần lớn nhu cầu tiêu dùng của tại Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen, tâm lý và hành vi mua sắm của người dùng có những thay đổi lớn sau hai năm đại dịch. Các nền tảng đa phương tiện, đa hình thức ngày càng chiếm vai trò quan trọng, đặc biệt là các kênh mua sắm online hoặc sàn thương mại điện tử. Thông qua các nền tảng này, doanh nghiệp bán lẻ có thể tạo thêm thế chân kiềng mới để tăng tốc phục hồi hậu đại dịch Covid-19, mang đến được cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.

Để ngành bán lẻ chuyển đổi số thành công

Dù có những bước tiến lớn, việc chuyển đổi số bền vững của doanh nghiệp bán lẻ vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Theo Tiến sĩ Chử Văn Lâm, 11 tháng qua, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.

Với độ mở ngày càng lớn của nền kinh tế, Việt Nam chịu nhiều áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên, vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đây là lúc các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng, điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với các biến động của thị trường và đặc biệt là chú tâm hơn vào việc số hoá cơ cấu hoạt động trong doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng để ngành bán lẻ chuyển đổi số thành công cần sự thay đổi về nhận thức, quyết liệt trong hành động của đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu.

Trong bối cảnh 4.0 cần có tư duy về đổi mới sáng tạo, tinh thần dám thay đổi, từ bỏ cái cũ. Đồng thời, cân nhắc lựa chọn mô hình kinh doanh hiện tại trên lăng kính công nghệ số để lựa chọn, lập kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình.

Bên cạnh đó, việc xác định cụ thể nhu cầu của doanh nghiệp cũng cần được chú trọng. Ông Hưng chỉ ra, có những mô hình kinh doanh khác nhau như nhỏ, vừa, lớn và các loại sản phẩm khác nhau nên lựa chọn mô hình nào phù hợp để đưa ra lộ trình thực hiện.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao hiệu quả trong hệ thống quản trị như số hoá giấy tờ, ứng dụng các nền tảng về quản lý, đánh giá nhân sự, tối ưu năng suất làm việc… Đa phương thức thanh toán cũng rất quan trọng giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong mua sắm.

Theo ông Hưng, cần có đầu mối am hiểu về chuyển đổi số để có lựa chọn mô hình và thực hiện chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó, cần xây dựng KPI để đánh giá hiệu quả sự chuyển đổi trong 3,6, 9 hay 12 tháng.

Các doanh nghiệp bán lẻ cần tối ưu nguồn lực và đặt khách hàng làm trọng tâm để có thể tồn tại và phát triển bền vững. Việc ứng dụng công nghệ mới như IoT, AR, Big Data, AI, Machine Learning… giúp doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng với những trải nghiệm và giá trị khác biệt, tối ưu hoá chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng doanh số hoạt động.

“Ngành bán lẻ của Việt Nam còn nhiều tiềm năng và được các doanh nghiệp trong nước và quốc tế quan tâm đầu tư. Nếu không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài, các doanh nghiệp Việt sẽ mất vị thế trên sân nhà, khi xu hướng chuyển đổi trong ngành bán lẻ Việt Nam giai đoạn sau đại dịch có nhiều thay đổi. Trong thời gian tới các doanh nghiệp cần mở rộng quy mô bao phủ, đầu tư phát triển mô hình đa kênh để phù hợp với xu thế hiện nay”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh.