VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Thị trường Tết kỳ vọng sức mua tăng cao

Thị trường Tết kỳ vọng sức mua tăng cao

17:25 - 22/12/2022

Bất chấp nhiều biến động về kinh tế, lãi suất tăng và lo ngại lạm phát, sức mua trên thị trường Tết năm nay ước tính tăng từ 10-30%.

Trái ngược với dự báo sức mua giảm trong mùa cao điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết đang tăng cường công suất để đáp ứng nhu cầu Tết 2023. Sức mua ước tính tăng từ 10-30% với mặt hàng truyền thống như bánh kẹo, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt.

Đơn cử, Vissan mới đây cho biết dự kiến sẽ cung ứng 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 30%) và 4.200 tấn thực phẩm chế biến (tăng 10%) trong dịp Tết này. Năm nay Công ty cũng sẽ tăng mạnh lượng hàng chế biến được dùng biếu tặng với vỏ hộp bắt mắt, đa dạng các phân khúc cũng như tăng bán trên các kênh thương mại điện tử.

Dự báo sức mua trên thị trường Tết năm nay tăng cao

Orion cũng lên kế hoạch sẽ đưa ra thị trường Tết 2023 khoảng 2.500 tấn bánh kẹo. Hiện công ty này đang vận hành 32 dây chuyền sản xuất khoảng 84.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Để phục vụ cho mùa Tết, 2 nhà máy của Orion đang hoạt động liên tục với công suất tối đa nhằm đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho các đối tác và thị trường tiêu dùng.

Dưới góc độ nhà phân phối, chia sẻ về nhu cầu mua sắm năm nay, ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart cho biết mùa Tết năm nay nhìn chung nhu cầu mua sắm vẫn ổn định và sẽ tăng từ 10 – 30% đối với những mặt hàng đặc trưng Tết (bánh mứt kẹo, nước giải khát, giò chả, bánh chưng bánh tét …). Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, Saigon Co.op tập trung mạnh vào giảm giá trực tiếp trên sản phẩm đồng thời gia tăng tiện ích, trong đó có thể kể đến chương trình giao giỏ quà Tết miễn phí trên toàn quốc Gắn kết tình thân – Tết xa thêm gần.

Đại diện AEON Việt Nam cũng cho biết đang có nhu cầu tuyển khoảng 1.000 nhân sự thời vụ để phục vụ dịp mua sắm cuối năm, từ các khâu như đóng gói sản phẩm, phân loại đến đứng quầy thu ngân.

Bên cạnh nguồn cung dồi dào, các chương trình khuyến mãi cũng được nhiều nhãn hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tung ra nhằm kích cầu người tiêu dùng.

Ngay sau quyết định nới room của Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp thực phẩm cho biết đã bắt đầu được giảm lãi suất cho vay và tiếp cận được vốn tín dụng dịp cuối năm. Dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên đây là tín hiệu tích cực đối với doanh nghiệp để yên tâm giữ giá cả.

Đại diện Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết bên cạnh sự chủ động nguồn cung từ sớm, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, việc được tiếp cận dòng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đã khiến doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định giá cả, đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 30 – 50% trong tháng Chạp.

Với sự hỗ trợ của ngân hàng và nguồn lực của doanh nghiệp, dòng vốn hơn 710 tỷ đồng cũng được Công ty cổ phần Súc sản kỹ nghệ Việt Nam sẵn sàng để cung ứng hơn 2.000 tấn hàng tươi sống và khoảng 4.500 tấn hàng chế biến, tăng 30% so với năm ngoái.

Riêng tại thị trường phía Nam, theo Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, gần 40 doanh nghiệp trong ngành đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa phục vụ cao điểm Tết. Tổng nguồn vốn thực hiện bình ổn thị trường gần 20.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bình ổn thị trường được ưu tiên tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, có thêm vốn lưu động cho sản xuất, dự trữ nguyên, vật liệu…

Trên cả nước, các doanh nghiệp cũng đang lên phương án tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động, triển khai chương trình khuyến mãi sâu từ 30 – 50% vào những ngày giáp Tết, giúp người dân mua sắm với giá cả tốt nhất.