VNReport»Kinh tế»Thị trường bán lẻ hứa hẹn tăng trưởng mạnh trong năm 2023

Thị trường bán lẻ hứa hẹn tăng trưởng mạnh trong năm 2023

12:05 - 28/12/2022

Mặc dù được các chuyên gia dự báo kinh tế năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn, xong theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ rất sôi động.

Sự phục hồi nhanh và mạnh

Sau 1 năm Việt Nam mở cửa khôi phục kinh tế hậu Covid-19, ngành bán lẻ đã có sự phục hồi nhanh. Trong 11 tháng của năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 5.180 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).

Theo bà Vũ Thị Hậu – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ đang lấy lại đà tăng tốc sau dịch Covid-19 và kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm phục hồi thực sự mạnh mẽ của ngành bán lẻ.

Thị trường bán lẻ đang lấy lại đà tăng tốc sau dịch Covid-19

Đánh giá về thị trường bán lẻ cuối năm, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng trong dịp cuối năm khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm liên tiếp từ đầu tháng 11/2022 đến nay, giúp cho lạm phát được kiềm chế. Giá tiêu dùng ổn định cũng là yếu tố kích cầu tiêu dùng trong tháng giáp Tết 2023.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện gần đây cũng cho thấy, đến nay trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Sự tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới có nhiều bất ổn.

Phân tích nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng mạnh, thị trường bán lẻ hồi phục nhanh, bà Vũ Thị Hậu cho rằng, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Dự báo cả năm nay mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ sẽ dao động trong khoảng 14 – 17%. Trong đó, sức mua của người tiêu dùng trong thời gian cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh nhất, có thể đóng góp 30 – 40% doanh số cả năm.

Trong khi đó, Bộ Công thương nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD. Dự báo ngành bán lẻ sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước.

Tạo đà để thị trường bán lẻ phát triển

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng doanh thu bán lẻ hiện nay được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú và nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng.

Thêm vào đó, dịp cuối năm người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu mạnh tay, sẽ tạo nên làn sóng mua sắm bùng nổ. Tâm lý tích cực của người tiêu dùng cũng tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ bán lẻ dễ dàng phục hồi và phát triển trong cả trung và dài hạn. Thị trường bán lẻ tăng tốc, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng, kéo theo các đơn vị sản xuất phục hồi phát triển.

Dù có nhiều thách thức trong phát triển kinh tế năm 2023, song ngành bán lẻ được nhận định vẫn có cơ hội phát triển sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% và Chương trình phục hồi kinh tế được Chính phủ thông qua cũng tác động tích cực đến ngành bán lẻ Việt Nam…

Không chỉ đối với doanh nghiệp trong nước, nhiều tín hiệu cho thấy hoạt động bán lẽ cũng sẽ sôi động đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi nhiều đơn vị đang có kế hoạch mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, thậm chí tìm kiếm thêm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống.

Mới đây, Central Retail, nhà bán lẻ Thái Lan đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Theo Central Retail, kế hoạch rót thêm vốn đầu tư nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu kinh doanh đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và trung tâm thương mại.

Với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail cho biết, sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước.

Ngoài ra, một doanh nghiệp bán lẻ ngoại khác là AEON cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Do đó, theo chuyên gia Vũ Vĩnh Phú – nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, để nâng cao vị thế của doanh nghiệp bán lẻ nội rất cần có những chính sách, quy định phù hợp để hỗ trợ ngành bán lẻ trong nước. Song song với việc phát triển các kênh bán lẻ hiện đại, chúng ta cũng cần chú trọng để đầu tư, nâng cấp phát triển các chợ truyền thống, phát huy tối đa lợi thế của kênh bán lẻ này.