VNReport»Kinh tế»Chìa khóa vực dậy ngành du lịch

Chìa khóa vực dậy ngành du lịch

17:21 - 28/12/2022

Việt Nam không hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách đề ra hồi đầu năm dù được đánh giá là điểm đến cởi mở nhất thế giới khi mở cửa.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau khi mở cửa từ ngày 15/3, thị trường du lịch Việt Nam đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Toàn ngành ước đón 101,3 triệu lượt khách năm 2022.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế. Cả nước ước đón 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, đạt trên 70% so với kế hoạch. Lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân nhân, kinh doanh, trong khi đó lượng khách du lịch vẫn còn thấp.

Theo ông Khánh, một số nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế của Việt Nam chưa được như kỳ vọng do thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm); xung đột Nga – Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam – Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc theo đuổi chính sách ‘‘Zero Covid’’.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam hiện đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải – hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch; chính sách an sinh xã hội, tín dụng và các chính sách giảm giá điện…

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế

Trước thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển du lịch bền vững, hiệu quả cao thì phải theo hướng tạo sự khác biệt và đặc sắc. Đặc biệt, cần phải vượt lên về chất, về sự hấp dẫn, khác biệt, lấy lợi ích kinh tế cụ thể làm thước đo, tạo đẳng cấp, chứ không chỉ đơn thuần chạy theo số lượng. Bởi lượng khách chỉ nên là con số để tham khảo, quan trọng là doanh thu của ngành du lịch.

Ông Võ Anh Tài – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, song song việc thúc đẩy khai thác các thị trường mới, tiềm năng thì Việt Nam cần đặc biệt chú trọng yếu tố chất lượng khách, với các giải pháp chuyên biệt hóa theo từng thị trường hay khu vực, mang đến cho du khách những khám phá mới, tăng tính tương tác, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bích – Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Mekong Rustic cũng cho rằng, toàn ngành du lịch cần tập trung phát triển đa dạng hóa sản phẩm, làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch. Tại các điểm du lịch lớn như Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long… hiện nay chỉ tập trung xây khách sạn mà chưa có nhiều sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng du lịch và hàng không phải tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển. Theo ước tính, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Do vậy, liên kết tốt giữa hàng không và du lịch sẽ tạo ra những ưu đãi, tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành.

“Hàng không và du lịch hợp tác chặt chẽ đóng vai trò quan trọng đem tới sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch với giá cả phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Sản phẩm du lịch tốt kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân. Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Khánh nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ở Việt Nam, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp, đơn vị với nhau không dễ dàng lắm, đặc biệt là sau Covid-19. Sự thiệt hại nặng nề của các doanh nghiệp cũng như các đơn vị quá lớn nên yêu cầu đầu tiên của mỗi ngành là hồi phục. Tất nhiên nếu có sự liên kết thì hồi phục sẽ tốt hơn.

Vì vậy, cần tái xác định lại tầm quan trọng của hàng không và du lịch, trong liên kết ấy, 2 bên phải nhường nhịn, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Việc xây dựng một sản phẩm mà trong đó chứa đựng những yếu tố tích cực của hàng không và của du lịch, tức là cùng giảm giá, sản phẩm hấp dẫn nhất và tốt nhất là cần thiết.

“Ví dụ khi mở một thị trường mới, 2 bên phải bàn với nhau một cách hợp lý. Chúng ta có ưu đãi gì cho những người đi máy bay và khi đi du lịch, khách được hưởng những ưu đãi gì từ những điểm đến. Đó là nền tảng của liên kết giữa hàng không và du lịch”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác du lịch và hàng không để nâng cao lượng khách nội địa chi trả cao bằng việc xây dựng các gói (combo) gồm vé máy bay + phòng khách sạn + dịch vụ thuận lợi cho khách.