VNReport»Kinh tế»Nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam

16:29 - 13/01/2023

Trong quý IV/2022, 41% doanh nghiệp châu Âu muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng từ 13% trong quý III- 2022.

Trong hai thập kỷ qua, các doanh nghiệp phương Tây đã đầu tư rất lớn vào Trung Quốc do chi phí sản xuất thấp, chuỗi cung ứng hoàn thiện cùng thị trường tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch cũng như những lo ngại sự trừng phạt vì sử dụng công nghệ Trung Quốc ngày càng gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm đến những quốc gia thay thế hay còn gọi là chiến lược “Trung Quốc+1”.

“Trung Quốc+1” (China plus One) là chiến lược kinh doanh quốc tế được các tập đoàn đa quốc gia sử dụng trong vài năm trở lại đây nhằm bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc cũng mở rộng chi nhánh hoặc dịch chuyển cơ sở sản xuất sang cả các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Myanmar.

41% doanh nghiệp châu Âu đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam

Theo kết quả khảo sát mới nhất về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kết hợp với Công ty nghiên cứu thị trường YouGov Decision Lab khảo sát hơn 1.300 thành viên đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, kết quả cho thấy 41% doanh nghiệp châu Âu đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng mạnh so với mức 13% trước đó.

Ngoài ra, 35% số người được hỏi nhận định Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, và 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu.

Dù vậy, các doanh nghiệp châu Âu vẫn đánh giá còn một số rào cản để doanh nghiệp của họ đầu tư vào Việt Nam, trong đó, 3 rào cản về pháp lý lớn nhất đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được xác định là thiếu rõ ràng về các quy tắc và quy định (51%), khó khăn hành chính (41%), khó khăn về thị thực và giấy phép lao động (30%).

Để cải thiện năng lực thu hút FDI, báo cáo BCI cho rằng việc giảm bớt khó khăn thủ tục hành chính là yếu tố tiên quyết. Bên cạnh đó, vấn đề giảm khó khăn về thị thực cho các chuyên gia nước ngoài cũng ngày càng được yêu cầu nhiều hơn.

Theo Chủ tịch EuroCham Alain Cany, cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và công nghiệp xanh của Việt Nam.

Với nguồn vốn FDI này, cùng nền tảng kinh tế vững chắc và cam kết bền vững của Việt Nam, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là 6,3%. Đây là mức dự báo tăng trưởng cao thứ 2 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, 2 động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 là xuất khẩu và nhu cầu nội địa đều sẽ điều chỉnh giảm trong năm 2023 do vậy 2023 dự báo vẫn sẽ là 1 năm nhiều khó khăn hơn với nền kinh tế Việt Nam.