VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tranh chấp quyền lực ở tập đoàn xây dựng Hòa Bình

Tranh chấp quyền lực ở tập đoàn xây dựng Hòa Bình

17:40 - 16/01/2023

Sau khi được chấp thuận từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Lê Viết Hải thay đổi ý định vào phút chót, dẫn đến cuộc tranh chấp giữa ông Hải và ông Nguyễn Công Phú về việc ai hiện là Chủ tịch của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Tuần trước, ông Lê Viết Hải – cổ đông đang sở hữu 17,14% vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình – yêu cầu triệu tập một đại hội cổ đông bất thường để thông qua một số nội dung quan trọng bao gồm: miễn nhiệm một số thành viên HĐQT, thay đổi một số quy định trong điều lệ công ty và bầu một số thành viên HĐQT mới.

Ông Hải cũng có văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM yêu cầu đính chính, làm rõ các thông tin tài chính do nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố mà ông Hải cho là không chính xác và bị diễn giải sai lệch, cũng như cuộc tranh giành quyền lực đang xảy ra trong tập đoàn.

Ông Lê Viết Hải (trái) từng quyết định nhường ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho ông Nguyễn Công Phú, nhưng thay đổi ý định vào phút chót.

Ông Lê Viết Hải (trái) từng quyết định nhường ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho ông Nguyễn Công Phú, nhưng thay đổi ý định vào phút chót.

Nghị quyết 50 và Nghị quyết 51 ban hành ngày 14/12 chấp thuận đơn xin từ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình của ông Hải kể từ ngày 1/1. Cùng với đó, Nghị quyết 50 cũng thông qua việc thành lập Hội đồng sáng lập Tập đoàn Hòa Bình và Nghị quyết 51 thông qua việc bầu ông Phú làm Chủ tịch HĐQT thay ông Hải kể từ ngày 1/1.

Tuy nhiên, theo ông Hải, sau khi ban hành 2 nghị quyết trên, công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp đã có một số bất cập liên quan đến cơ chế điều hành và hoạt động của hội đồng sáng lập. Cụ thể, hội đồng sáng lập được trao một số quyền nhất định có thể ảnh hưởng đến hoạt động độc lập của hội đồng quản trị. Đồng thời, việc thay đổi nhân sự ở vị trí Chủ tịch HĐQT có thể không đảm bảo điều hành thông suốt mọi hoạt động của công ty trong thời điểm cận Tết Nguyên đán 2023.

Dựa trên những lập luận trên, ban lãnh đạo tập đoàn cho rằng cần tạm dừng toàn bộ nội dung Nghị quyết 50 và 51 để củng cố cơ sở pháp lý, hình thành vững chắc mô hình quản trị mới, tránh gián đoạn trong giai đoạn cuối năm.

Theo ông Hải, cuộc họp HĐQT được triệu tập vào ngày 31/12 theo yêu cầu bằng văn bản của ít nhất 2 thành viên HĐQT theo quy định của điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp. Cuộc họp đầu tiên của HĐQT được tổ chức trực tuyến nên không có đủ thành viên tham dự. Vì vậy, cuộc họp lần 2 được tổ chức từ 13h30 đến 23h40 ngày 31/12 với số lượng thành viên HĐQT tham dự là 5/8 thành viên.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận liên quan đến nội dung cuộc họp, các thành viên đã thảo luận và biểu quyết với 3 phiếu tán thành, 1 phiếu không ý kiến, 1 phiếu chống và ban hành Nghị quyết 53 về việc hoãn thi hành các Nghị quyết 50 và 51.

Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị quyết 53 được ban hành, ông Phú và ông Dương Văn Hùng – đều là thành viên HĐQT độc lập – đã bác nội dung cuộc họp ngày 31/12 cũng như nội dung của Nghị quyết 53, coi Nghị quyết 53 là không hợp lệ.

Ông Hùng nêu ra những dấu hiệu mà ông cho là sai phạm trong quản lý tài chính dưới sự quản lý, điều hành của ông Hải. Ông Hùng cho rằng cách điều hành tập đoàn của ông Hải thời gian qua đã đẩy Hòa Bình rơi vào tình trạng yếu kém, nợ đọng kéo dài…

Ông Phú nói rằng ông chỉ muốn góp phần đưa Hòa Bình vươn tầm quốc tế để Việt Nam tiến xa hơn, lớn mạnh hơn thay vì chịu sự quản lý yếu kém của tập đoàn “gia đình trị”. Ông Phú còn dọa khởi kiện nếu ông Hải không nhượng bộ trước Đại hội cổ đông sắp tới. Ông Phú cũng nói rằng trong cuộc họp ngày 31/12, ông đã gửi một tin nhắn với ý nghĩa là không tham gia cuộc họp, chứ không phải là bỏ phiếu chống.

Ông Hải cáo buộc ông Phú và ông Hùng đang cung cấp thông tin sai sự thật với báo chí về các thông tin kinh doanh nội bộ của tập đoàn, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của ban lãnh đạo uy tín của Xây dựng Hòa Bình cũng như lợi ích của các cổ đông. Theo ông Hải, ông Phú và ông Hùng có động cơ là nhằm giành quyền kiểm soát nhằm trục lợi cá nhân, có thể là tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài thâu tóm tập đoàn.

Cho đến nay, cả ông Hải và ông Phú đều khẳng định mình là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Tranh chấp hiện xoay quanh tính hợp lệ của Nghị quyết 53, vì nếu nghị quyết này có giá trị thì ông Hải tiếp tục là Chủ tịch HĐQT của Hòa Bình.