VNReport»Kinh tế»Dư địa phát triển thương mại Việt Nam – Mỹ còn lớn

Dư địa phát triển thương mại Việt Nam – Mỹ còn lớn

15:42 - 27/01/2023

Năm 2023 dự báo sẽ là năm thứ 3 liên tiếp thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đạt trên 100 tỷ USD.

Năm 2023 kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ 2014-2018, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong 10 năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trụ cột hợp tác. Trong đó, kinh tế là trụ cột quan hệ đã có những bước phát triển vượt bậc.

Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 220 lần, từ nửa tỷ USD năm 1995 lên tới 111,55 tỷ USD vào năm 2021. Và mặc dù chịu sự tác động lớn biến động kinh tế thế giới nhưng thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2022 vẫn đạt hơn 120 tỷ USD.

Đáng chú ý, vài năm gần đây, tốc độ phát triển thương mại song phương giữa 2 nước càng diễn ra nhanh và mạnh. Vào cuối 2014, thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ ước đạt khoảng 36 tỷ USD. Đến giữa năm 2018, tức chỉ 3,5 năm sau, con số đó đã tăng lên 67-69 tỷ USD.

Tiếp đó, trong 3,5 năm từ giữa năm 2018 cho đến cuối năm 2021, thương mại hai chiều đã đạt gần 112 tỷ USD. Như vậy, trong giai đoạn này, kim ngạch thương mại đều đã tăng lên gần gấp hai lần. Còn tính cả 10 năm đối tác toàn diện, thương mại hai nước đã tăng gấp 3,5 lần, từ hơn 30 tỷ USD lên 115 tỷ USD hiện nay.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Hoa Kỳ cũng luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ước tính 11 tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 101,5 tỷ USD trong số 115 tỷ USD thương mại hai chiều. Nếu so với thị trường Trung Quốc, dù Việt Nam có thương mại hai chiều lớn nhất nhưng đây cũng là thị trường có thâm hụt nhiều nhất.

Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá, không gian phát triển thương mại giữa Việt nam và Hoa Kỳ còn rất lớn. Bởi trong thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng thương mại liên tục đạt từ 17-19% hàng năm. Điều này cho thấy hai nền kinh tế tương tác, dư địa tăng trưởng và bổ sung cho nhau còn rất nhiều.

Mặt khác, thị trường Hoa Kỳ chất lượng cao, phản ánh năng lực sản xuất và năng lực dịch vụ, hàng hóa của Việt Nam đã ngày càng đáp ứng được yêu cầu khó tính, theo đó mới có thể tiếp cận được thị trường này.

Đáng chú ý, kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện vào năm 2023 cũng sẽ là dịp để hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ nâng mối quan hệ đối tác này lên tầm cao mới, phục vụ cho lợi ích quốc gia của mỗi nước, thúc đẩy đà quan hệ, cũng như đóng góp vào hợp tác, phát triển chung ở khu vực.

Mặt khác, dư địa để phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam còn nhiều. Đơn cử, về kinh tế thương mại, Hoa Kỳ là một thị trường quan trọng hàng đầu và không gian phát triển hợp tác về kinh tế thương mại giữa hai nước còn rất nhiều. Tuy nhiên, giữa hai nước cũng mới chỉ dừng ở hiệp định thương mại song phương đã ký cách đây hơn hai thập kỷ.

Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước cũng đã từng đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được coi là một FTA đa phương thế hệ mới, nhưng sau đó Mỹ lại rút lui khỏi hiệp định này. Trong khi đó, Việt Nam có một loạt hiệp định thương mại đầu tư với các đối tác khác, như EVFTA và EVIPA với EU, hay CPTPP, RCEP với khu vực…

Do vậy, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, hai bên cần xem xét và cập nhật các khuôn khổ chính sách sao cho phù hợp với đà tăng trưởng của quan hệ và tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước.

Vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đang cùng một số nước tham gia đàm phán về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hiện gồm 14 nước trong đó có một số nước ASEAN. Sáng kiến này tuy chưa phải một dạng hiệp định thương mại tự do nhưng nếu thành công sẽ có ý nghĩa lớn, tạo khuôn khổ kết nối kinh tế các nước tham gia với nền kinh tế số một thế giới. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ theo đó cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nhiều.

Còn Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng nhận định, hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ (2013-2023), các hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế – thương mại – đầu tư, đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước.

Do vậy, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng năm 2023 và các năm tiếp theo, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại và thu hút vốn đầu tư, khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiềm năng, tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương để tiếp tục chạm mốc năm thứ 3 liên tiếp thương mại hai chiều vượt mức 100 tỷ USD.