VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc

Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc

15:49 - 05/02/2023

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối, nói rằng Mỹ phản ứng thái quá và vi phạm các chuẩn mực quốc tế.

Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám bị nghi ngờ của Trung Quốc trên Đại Tây Dương, vài ngày sau khi nó được phát hiện bay qua lãnh thổ Mỹ và làm gia tăng căng thẳng vốn đã cao giữa Washington và Bắc Kinh.

Hôm thứ Bảy, một máy bay chiến đấu phản lực F-22 Raptor của Không quân Mỹ bắn rơi khinh khí cầu bằng một tên lửa AIM-9X Sidewinder ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina, bên trong lãnh hải Mỹ, các quan chức cho biết. Máy bay chiến đấu phản lực khi đó bay ở độ cao 18.000 m, bên dưới khinh khí cầu từng bay cao tới 20.000 m.

Lầu Năm Góc cho biết các tàu Hải quân Mỹ cũng như các tàu Tuần duyên đã bắt đầu nỗ lực thu hồi thiết bị do thám mà khinh khí cầu mang theo. Một quan chức quân sự cấp cao cho biết mảnh vỡ rơi xuống vùng nước tương đối nông, sâu khoảng 14 m và trải rộng ít nhất 11 km.

Trước đó, vào thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Joe Biden báo hiệu rằng Mỹ sẽ xử lý khinh khí cầu. Sau vụ bắn hạ, ông Biden cho biết ông đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc vào thứ Tư bắn hạ khinh khí cầu “càng sớm càng tốt”.

Trung Quốc phản đối hành động quân sự này trong một tuyên bố vào sáng Chủ nhật tại Bắc Kinh bằng cách bày tỏ “sự không hài lòng mạnh mẽ” của mình. Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Mỹ phản ứng thái quá và vi phạm các chuẩn mực quốc tế.

Khinh khí cầu bị bắn hạ ngay sau khi bay qua Đại Tây Dương.

Khinh khí cầu bị bắn hạ ngay sau khi bay qua Đại Tây Dương.

Sự hiện diện của khinh khí cầu khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm Bắc Kinh – một chuyến thăm nhằm ổn định mối quan hệ căng thẳng của hai cường quốc. Các quan chức cho biết vụ việc cũng khơi mào cuộc tranh luận trong chính quyền và Quốc hội Mỹ về cách xử lý một phương tiện do thám bay qua lãnh thổ Mỹ.

Trước đó, Lầu Năm Góc khuyến cáo không nên bắn hạ khinh khí cầu trong khi nó bay phía trên đất liền vì lo ngại rằng các mảnh vỡ rơi xuống có thể làm tổn thương người và hư hỏng tài sản trên mặt đất. Khi đã qua Đại Tây Dương, điều đó không còn là mối lo ngại.

Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng khinh khí cầu phục vụ mục đích dân sự và việc nó xâm nhập không phận Mỹ là tình cờ. Bộ này mô tả hành động của Mỹ là “sử dụng vũ lực để tấn công một khí cầu không người lái dân sự” và cho biết Trung Quốc bảo lưu quyền đáp trả, mặc dù không nêu rõ bằng cách nào.

Lầu Năm Góc cho biết trong một cuộc họp báo rằng khinh khí cầu là một phần của một “đội” khinh khí cầu do thám của Trung Quốc từng được phát hiện trước đây ở Châu Mỹ Latinh, Châu Âu và Châu Á. Các quan chức cho biết lời giải thích của Trung Quốc – rằng khinh khí cầu bị bắn rơi là một phương tiện theo dõi thời tiết dân sự – “thiếu độ tin cậy”.

Quân đội Mỹ lần đầu tiên phát hiện ra khinh khí cầu ở phía bắc Quần đảo Aleutian ở Alaska vào ngày 28/1 và theo dõi khi nó băng qua phần phía bắc của bang Alaska rồi tiến vào tây bắc Canada ngày 30/1. Ngày hôm sau, khinh khí cầu đi qua bang Idaho và sau đó là bang Montana, nơi có 150 tên lửa trang bị vũ khí hạt nhân Minuteman III của Mỹ. Ông Biden yêu cầu có các phương án quân sự vào ngày 31/1, mà Lầu Năm Góc đã trình bày vào ngày hôm sau. Cuối cùng, Lầu Năm Góc kết luận rằng việc bắn hạ khi nó di chuyển ra ngoài khơi là an toàn nhất và ông Biden phê chuẩn bắn hạ ngay khi điều đó xảy ra.

Theo luật quốc tế, lãnh thổ Mỹ kéo dài 12 hải lý tính từ bờ biển của mình. Hành động bắn hạ làm gián đoạn hoạt động hàng không ở Bờ Đông nước Mỹ vào thứ Bảy sau khi Cục Hàng không Liên bang đóng cửa một phần không phận Bắc và Nam Carolina trong vài giờ. Họ cũng tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ 3 sân bay thương mại.

Luật hàng không quốc tế trao cho các quốc gia quyền tài phán đối với không phận ở độ cao mà Lầu Năm Góc cho rằng khinh khí cầu Trung Quốc đã bay khi bị bắn hạ, khoảng 18 km. Quyền tài phán trở nên không rõ ràng ở độ cao lớn hơn về phía rìa vũ trụ.